Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Toà không phạt vi cảnh giao thông, xây dựng, phòng cháy chữa cháy…

(PLO)- Chánh án TAND Tối cao cho biết Luật hiện nay đang giao cho toà án bốn việc thì toà làm bốn việc; tương lai giao thêm, toà làm tiếp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, theo nghị trình, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi).

Đáng chú ý, điều 3 dự thảo bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án, trong đó có việc giải quyết, xét xử vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định của luật. Nhiệm vụ, quyền hạn này sau đó được cụ thể hoá tại điều 26 dự thảo.

Bộ trưởng Tư pháp đề nghị bỏ quy định giải quyết, xét xử VPHC của toà án

Nêu ý kiến tại tổ đoàn ĐBQH Kiên Giang, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị bỏ điều 26 về giải quyết, xét xử VPHC.

Bo-truong-Tu-phap-Le-Thanh-Long.jpeg
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Lê Thành Long cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án đã có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính đối với bốn trường hợp, gồm: xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, cơ cấu, tổ chức bộ máy cũng như chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ đã được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hoá tại Luật Tổ chức Chính phủ. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ chính liên quan đến việc này của Chính phủ là kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy tắc quản lý nhà nước do các cơ quan hành chính thực hiện thống nhất từ Trung ương tới địa phương, để bảo đảm quản lý nhà nước gắn liền với việc phát hiện, xử lý các vi phạm hành chính.

Do vậy, theo Bộ trưởng, nếu chuyển toàn bộ hay một phần chức năng này sang cho Tòa án cần phải có đánh giá kỹ, sau đó mới tính toán, cân nhắc quyết định.

Ngoài ra, dẫn Hiến pháp 2013, ông Lê Thành Long cho rằng Tòa án không phải là cơ quan giải quyết các vi phạm hành chính nói chung hay là xét xử các vi phạm hành chính, trừ các vụ án hành chính.

“Chúng tôi đề nghị cân nhắc ở chỗ này để tránh trùng lẫn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án theo quy định của Hiến pháp”- ông Long nói.

Nói thêm ở khía cạnh phối hợp, phân công và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan ở trong tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ trưởng Tư pháp nói Tòa án đang thực hiện “một công việc rất trực diện” liên quan đến kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành pháp là xét xử các vụ án hành chính, trong đó có cả quyết định xử phạt VPHC và giải quyết khiếu nại.

“Tức là Tòa án đã và đang thực hiện quyền kiểm soát quyền lực ở lĩnh vực này”- theo ông Long.

Bộ trưởng Tư pháp cũng dẫn số liệu thống kê các vụ vi phạm hành chính qua các năm 2019-2022, trong đó năm 2022 có gần 4 triệu vụ vi phạm và 4,1 triệu quyết định xử phạt.

“Đây là một con số rất là lớn”- ông Long nói và thông tin hiện có gần 200 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Nhấn mạnh đây là chức danh có thẩm quyền xử phạt, ông Long nói dù chưa có con số chính xác nhưng chắc chắn số lượng người ở các cấp, các ngành có chức năng xử phạt là rất lớn. Một lần nữa đề nghị cân nhắc về tính khả thi, Bộ trưởng đề xuất trước mắt cần bỏ Điều 26 dự thảo.

Chánh án: “Chúng tôi cũng không đủ người để làm tất cả những việc này”

Tại tổ đoàn ĐBQH Bắc Giang, lý giải băn khoăn của một số đại biểu về quy định nói trên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh Nghị quyết 27 của Trung ương về nhà nước pháp quyền yêu cầu mở rộng quyền xử lý hành chính của toà án.

chanh-an-nguyen-hoa-binh-2321-2927.jpeg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Chúng tôi đưa vào đây quy định Toà án xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật. Luật hiện nay đang giao cho toà án bốn việc thì toà làm bốn việc, tương lai giao thêm thì toà làm tiếp”- Chánh án nói và lưu ý quy định tại dự thảo “không có nghĩa là từ nay trở đi phạt vi cảnh giao thông, xây dựng, PCCC đưa hết về cho toà án”.

Theo Chánh án, nhiều nước trên thế giới, phạt giao thông họ đưa về toà án xử lý; cảnh sát giao thông lập biên bản, sau đó phạt bao nhiêu tiền toà án quyết định. “Điều đó phù hợp với nguyên tắc pháp lý của chúng ta là mọi vấn đề liên quan đến quyền con người phải do luật và toà án. Đây là nguyên tắc Hiến định, nhưng chúng ta chưa làm được việc đấy. Chúng tôi thực sự cũng không đủ người để làm tất cả những việc này”- Chánh án Tối cao cho biết.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay Uỷ ban này cơ bản tán thành dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trên của Toà án để thể chế hóa Nghị quyết 27 về “Mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các VPHC, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân”.

Theo cơ quan thẩm tra, với quy định này, Tòa án tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được luật hiện hành quy định. Ngoài ra, Tòa án sẽ thực hiện thêm nhiệm vụ khác khi được luật giao- luật giao thêm nhiệm vụ nào thì Tòa án thực hiện thêm nhiệm vụ đó, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với nguồn lực của các Tòa án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm