Chánh án Nguyễn Hoà Bình: Thu thập chứng cứ là toà vi phạm nguyên tắc công tâm, khách quan

(PLO)- Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định không nước nào trên thế giới giao cho toà án thu thập chứng cứ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-11, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

“Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”- Điều 15 dự thảo quy định.

Ngoài ra, điều luật này cũng quy định “Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính” và “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật”.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến không tán thành với quy định trên, do các luật hiện hành đều quy định Tòa án thu thập chứng cứ trong một số trường hợp, điều kiện nhất định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Ý kiến này đề nghị rà soát để quy định những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện đất nước.

Thảo luận tại tổ đoàn ĐBQH TP.HCM, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Nguyễn Thanh Sang cho rằng quy định tại dự thảo chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. “Điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay chưa phù hợp"- ông Sang nói.

DB-Nguyen-Thanh-Sang.jpeg
ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM). Ảnh: VŨ THUỶ

Theo ông, trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hiểu biết pháp luật, nhất là với người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế. Cạnh đó, cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân.

Bởi vậy, vị ĐBQH TP.HCM cho rằng việc để người dân thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội “là một thách thức đối với người dân”. Người dân không đủ điều kiện, năng lực , khả năng và cơ chế để yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân. Trong khi đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân không tự cung cấp chứng cứ nếu không có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.

“Trong vụ án hành chính, người dân là nguyên đơn thì làm sao yêu cầu bị đơn là cơ quan, đơn vị cung cấp chứng cứ được”- theo ông Sang.

Cũng theo ông, Nghị quyết 27 năm 2022 (về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới) không đặt ra việc bỏ thu thập chứng cứ của toà án mà chỉ yêu cầu nghiên cứu làm rõ thẩm quyền HĐXX khởi tố vụ án tại phiên tòa; những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

“Đề nghị cần xem xét lại quy định này của dự thảo”- ông Sang nói.

Tại tổ đoàn ĐBQH Bắc Giang, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình dành thời gian làm rõ về những quy định còn ý kiến khác nhau của dự thảo.

Về nội dung trên, Chánh án cho hay vụ án hình sự chia thành hai bên buộc tội (điều tra viên, kiểm sát viên) và gỡ tội (bị cáo, luật sư của bị cáo). Theo ông, chúng ta đã lựa chọn nguyên tắc tố tụng tranh tụng thì trọng tài (toà án) phải công bằng, đứng giữa các bên, không nghiêng về bên nào.

Chanh-an-Nguyen-Hoa-Binh.jpeg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong dân sự cũng vậy, nếu toà án nghiêng về một bên, thu thập chứng cứ có lợi cho một bên nào đó có nghĩa là toà đã không vô tư, khách quan. Chưa kể sau đó, toà án lại xét xử theo chứng cứ mình đã thu thập.

“Vậy là Toà vi phạm nguyên tắc rất căn cốt: Toà án phải công tâm, khách quan”- ông Bình nói và nhấn mạnh không nước nào trên thế giới giao cho toà án thu thập chứng cứ.

Chia sẻ thêm, người đứng đầu ngành Toà án cho hay mỗi năm, toà án các cấp đang xét xử hơn 600.000 vụ án, trong khi chỉ có 15.000 biên chế. “Hiện giờ đã quá tải rồi”- Chánh án nhấn mạnh.

Phân tích thêm, ông Bình nói trong con số 600.000 nói trên, chỉ có khoảng 80.000 vụ án hình sự, chiếm khoảng 1/7, nhưng một bộ máy rất lớn là cơ quan điều tra, VKS thực hiện thu thập chứng cứ cho những vụ án này.

Số còn lại, khoảng 500.000 vụ, ông Bình cho rằng giao cho thẩm phán thu thập chứng cứ là “không khả thi”.

“Rất không thực tế, không đúng với thông lệ quốc tế. Vì vậy, lần điều chỉnh này chúng tôi kiến nghị bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của toà”- Chánh án Tối cao cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm