Chiều 25-11, hàng loạt gương mặt diễn viên nổi tiếng của làng điện ảnh Việt Nam, như: NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu, NSUT Trung Anh, diễn viên Dũng Nhi, Hồng Ánh, Ngọc Thanh Tâm, B Trần (Trần Quốc Anh)... đã có buổi giao lưu với SV trường ĐH Duy Tân.
Các nghệ sĩ tỏ ra hào hứng và bất ngờ vì sự chào đón nhiệt tình của SV. Ảnh: TÂM AN
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 được tổ chức từ ngày 24 đến 28-11, tại TP Đà Nẵng.
Ngay từ đầu giờ chiều, hàng ngàn sinh viên ĐH Duy Tân đã có mặt tại trường, mang theo hoa và quà để chuẩn bị chào đón đoàn nghệ sĩ. Khoảng hơn 14 giờ, các nghệ sĩ, diễn viên bước vào hội trường trong những tràng vỗ tay nồng nhiệt của các bạn trẻ.
Buổi giao lưu sau đó đã diễn ra trong không khí thân mật và vui vẻ. Các sinh viên đã đặt rất nhiều câu hỏi thú vị dành cho đoàn nghệ sĩ.
Chia sẻ về chặng đường đã qua của điện ảnh Việt Nam, NSND Như Quỳnh cho biết bà cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy thế hệ trẻ vẫn luôn dành tình cảm lớn cho nền điện ảnh nước nhà.
“Hy vọng tại liên hoan phim lần này, ngoài những bộ phim đang được yêu thích, các bạn cũng sẽ háo hức muốn xem lại những bộ phim về đề tài chiến tranh. Đó là những bộ phim đã ghi dấu ấn và là những kỷ niệm không thể nào quên với thế hệ chúng tôi” - NSND Như Quỳnh cho hay.
Các diễn viên nổi tiếng trong làng điện ảnh Việt Nam trả lời các câu hỏi của các sinh viên. Ảnh: TÂM AN
Là đạo diễn của nhiều bộ phim đình đám như Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46, Cô gái trên sông. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận được rất nhiều tình cảm của các bạn SV có mặt tại hội trường.
Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, khác với các bộ phim hiện nay, các phim trước đây thường không mang tính giải trí mà mang một thông điệp nhất định nào đó đến với khán giả.
Nhắc đến sự thành công của Cô gái trên sông (bộ phim giành giải Bông sen bạc cho Phim truyện điện ảnh và giải Bông sen vàng cho NSND Minh Châu tại LHP Việt Nam 1988 tại Đà Nẵng), đạo diễn Minh cho rằng: “Cô gái trên sông từng nhận được sự đón nhận rất nồng nhiệt của người dân Đà Nẵng. Tôi đang rất háo hức và tò mò, không biết sau 30 năm, Cô gái trên sông sẽ được các bạn trẻ TP đón nhận như thế nào”.
Trong khi đó, chia sẻ về bí quyết giữ lửa nghề, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay: Bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần nhiệt huyết và trách nhiệm. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn không ngày nào buông bút vì sợ nếu không viết sẽ rơi mất chữ. Các bạn trẻ hãy sống hết mình, trải nhiệm hết mình, cố gắng “đừng ngủ” trong cuộc sống của mình.