Một số loại vaccine hiện tại vẫn có khả năng bảo vệ người được tiêm chủng trước biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) sau đủ hai mũi tiêm, hãng tin AFP phân tích.
Ngày 10-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp biến thể Delta (lúc đó được gọi là biến thể B.1.617) vào danh sách “mối lo ngại toàn cầu” do đặc tính lây lan nhanh của biến thể này. WHO lưu ý rằng cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ biến thể nguy hiểm này.
Một số nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có khả năng kháng vaccine cao hơn so với các biến thể virus SARS-CoV-2 khác. Các loại vaccine đã được cấp phép hiện nay đều phát triển trên cơ sở các thể virus SARS-CoV-2 ban đầu vì được nghiên cứu, thử nghiệm từ khi biến thể Delta chưa bị phát hiện.
Vaccine ngừa COVID-19 Covishield (theo giấy phép của hãng AstraZeneca) được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng ở Ấn Độ. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb cho rằng các vaccine dùng công nghệ ARN thông tin (mRNA) như của liên danh Pfizer/BioNTech hay hãng Moderna có hiệu quả khoảng 88% đối với biến thể Delta. Còn các vaccine dùng virus vector như của các hãng AstraZeneca hay Johnson&Johnson được cho là chỉ có hiệu quả 60% trước biến thể nguy hiểm này, theo chuyên trang y tế Medical News Today.
Một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh) hồi đầu tháng 6 cho thấy khác biệt về lượng kháng thể trung hòa trong cơ thể người được tiêm chủng khi những người này tiếp xúc với các biến thể Alpha (được phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (bắt nguồn từ Nam Phi) và Delta.
Theo đó, mức độ kháng thể ở những người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech khi người này tiếp xúc với biến thể Delta thấp hơn sáu lần so với khi tiếp xúc với các thể virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Biến thể Alpha cũng làm lượng kháng thể ở người được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech giảm 2,6 lần, còn biến thể Beta làm tỉ lệ kháng thể giảm 4,9 lần.
Một nghiên cứu độc lập do Viện Pasteur Pháp thực hiện cũng cho kết quả tương tự: khả năng chống lại biến thể Delta của kháng thể sản sinh từ vaccine của Pfizer/BioNTech thấp hơn 3-6 lần so với năng lực chống lại biến thể Alpha.
Các chuyên gia lưu ý rằng chỉ những nghiên cứu như vậy chưa đủ để kết luận về hiệu quả của vaccine trước biến thể Delta, nhất là khi xét tới phản ứng miễn dịch đáp ứng liên quan tới tế bào lympho T - loại bạch cầu tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh chứ không tấn công trực tiếp các kháng nguyên của virus.
Theo dữ liệu do Cơ quan Y tế công cộng Anh công bố hôm 14-6, vaccine của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca hiệu quả trong việc ngăn bệnh tình của những người nhiễm biến thể Delta hoặc Alpha nặng tới mức nhập viện.
Trong nghiên cứu được thực hiện trên hơn 14.000 người, các nhà khoa học Anh nhận thấy vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech ngăn 96% người nhiễm biến thể Delta phải nhập viện. Khoảng 92% người được tiêm vaccine của AstraZeneca cũng được không bị bệnh nặng nếu nhiễm biến thể này.
Sau hai tuần kể từ mũi tiêm thứ hai, vaccine của Pfizer/BioNTech có thể chống lại hiệu quả 88% các triệu chứng ở bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhiễm biến thể Delta. Hiệu quả tương tự đối với biến thể Alpha là 93%.
Vaccine của AstraZeneca cho hiệu quả bảo vệ thấp hơn, chỉ ở mức 60% nếu bệnh nhân nhiễm biến thể Delta và 66% nếu bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha.
Cần đủ 2 mũi vaccine để nâng cao hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta
Các chuyên gia lưu ý rằng việc tiêm chủng không đầy đủ (tức chỉ tiêm mũi vaccine đầu tiên) chỉ có hiệu quả một phần trước biến thể Delta. Các nhà khoa học Viện Pasteur Pháp nói rằng mũi tiêm đầu tiên vaccine của AstraZeneca “ít hoặc không có tác dụng” trước biến thể Delta. Còn đối với vaccine của Pfizer/BioNTech, hiệu quả được cho là chỉ ở mức 79%.
Vaccine ngừa COVID-19 của liên danh Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP
Dữ liệu của chính phủ Anh cũng cho thấy vaccine của Pfize/BioNTech hay của AstraZeneca đều chỉ có hiệu quả 33% trước biến thể Delta tại thời điểm ba tuần sau mũi tiêm đầu tiên.
Công ty Johnson&Johnson với vaccine ngừa COVID-19 một mũi tiêm chưa công bố dữ liệu về hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta.
Vaccine Sputnik V của Viện Gamaleya (Nga) cũng được cho là hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta. Phía Nga hôm 15-6 tự tin rằng vaccine của họ “hiệu quả hơn” so với các sinh phẩm tương tự đang có trên thị trường, song không công bố kết quả nghiên cứu cụ thể.
Hồ sơ liên quan tới vaccine Sputnik V đang được trình lên WHO để xem xét phê duyệt.
Các chuyên gia y tế thế giới đều thống nhất rằng cần thiết phải tiêm đủ hai mũi vaccine để nâng cao hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta, đồng thời cần tăng tỉ lệ dân số được tiêm chủng để giảm số ca bệnh và giảm nguy cơ virus SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến.
Bác sĩ Antoine Flahault, Viện trưởng Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ) nhấn mạnh rằng bên cạnh chiến dịch tiêm chủng thì giãn cách xã hội, công khai thông tin dịch bệnh và giám sát việc thực hiện các lệnh hạn chế phòng dịch là cần thiết để giữ mức độ lây nhiễm COVID-19 ở mức thấp.