Các nhà khoa học: Phải bảo tồn dinh Thượng thơ

Có mặt tại hội thảo đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc công trình dinh Thượng thơ (59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1) ngày 28-9, các chuyên gia đã đưa ra nhiều tài liệu chứng minh đây là công trình vừa có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, vừa gắn liền với lịch sử của TP.

Cần phải có hành lang pháp lý để bảo tồn

Về góc độ giá trị lịch sử, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Hữu Phúc Tiến đã mất hai năm để sưu tầm và nghiên cứu các tài liệu liên quan đến dinh Thượng thơ. Tại hội thảo, ông đưa ra các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước bằng hình ảnh, văn bản do ông sưu tầm từ khi công trình này được hình thành. Những tài liệu của nhà nghiên cứu này cho thấy dinh Thượng thơ gắn liền với lịch sử phát triển của TP và cũng từng là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với TP trong nhiều thời kỳ lịch sử.

Ông Tiến cũng đã dẫn ra hàng loạt công trình cùng với dinh Thượng thơ đã biến đường Lý Tự Trọng trở thành con đường di sản gần như rất hiếm hoi của TP. Đó là các công trình như Soái Phủ (Trường Trần Đại Nghĩa), Sở Học chánh, Sở Công chánh (nay là hai sở TN&MT và GTVT), Khám lớn (nay là thư viện Khoa học tổng hợp), Pháp đình (nay là Tòa án TP.HCM), Sở Hiến binh (nay là doanh trại quân đội)…

Ông Tiến đề xuất cần kiểm kê, khảo sát, lập hồ sơ di sản công trình này để làm cơ sở đưa ra giải pháp bảo tồn phù hợp. Cùng quan điểm, các chuyên gia đều cho rằng cần phải có một hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ các di tích, kể cả các di tích đã và chưa được công nhận.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Khởi, không phải ngẫu nhiên mà đề xuất phá bỏ công trình dinh Thượng thơ lại bị dư luận phản đối mạnh mẽ như thế. Kiến trúc sư Khởi cho rằng việc đầu tiên phải làm là TP cần phải xem xét đưa công trình này vào loại di sản nào. “Nếu không có cơ sở pháp lý thì bàn giải pháp cũng vô ích” - ông Khởi nói.

TS Nguyễn Trọng Hòa cho rằng việc có nhiều người dân mong muốn bảo tồn tòa nhà dinh Thượng thơ là rất chính đáng, thể hiện mong muốn TP văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc đặc trưng của một đô thị tầm vóc khu vực. TS Hòa cũng đề nghị TP nên sớm cho phép tiến hành kiểm kê, đánh giá công trình này với sự hỗ trợ của chuyên gia trong nước và quốc tế. Đặc biệt là các chuyên gia Pháp để xem xét việc tòa nhà dinh Thượng thơ có thuộc thể loại xếp hạng di sản hay không.

Dinh Thượng thơ đã thoát số phận bị đập bỏ và đang đứng trước bài toán bảo tồn sao cho hợp lòng dân TP nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bảo tồn dinh Thượng thơ để di sản sinh lợi

Quan điểm chung của các chuyên gia là cùng với việc bảo tồn công trình dinh Thượng thơ thì cần phải có giải pháp để phát huy giá trị di tích này. Theo PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, việc giữ lại dinh Thượng thơ là nguyện vọng chung của người dân cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học. “Tuy nhiên, giữ lại thì phải có giải pháp để phát huy giá trị và bảo tồn bền vững cho công trình chứ không phải chỉ để ngắm. TP cần phải nghiên cứu thêm làm thế nào để di sản sinh lợi chứ không để di sản là gánh nặng của ngân sách”.

Bà Trân nói: “Từ trước đến nay, các dự án phát triển đô thị đều bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường nhưng lại không có báo cáo đánh giá tác động văn hóa-xã hội. Nếu có báo cáo tác động về văn hóa-xã hội thì đã không đặt câu chuyện bảo tồn các công trình di sản trước sự đã rồi”.

Theo kiến trúc sư Lê Quang Ninh, việc giữ lại dinh Thượng thơ là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, cần phải gắn giá trị của công trình trong tổng thể quy hoạch của ô phố và khai thác công năng của dinh Thượng thơ tương tự như các tòa nhà hành chính - trụ sở UBND và HĐND TP. “Biến công trình này thành một trung tâm điện toán của TP để tương xứng với một đô thị văn minh thì mới xứng với giá trị công trình trong bối cảnh hiện tại” - ông Ninh nói.

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP, cũng cho rằng với công trình này cần trùng tu mặt ngoài, chỉnh trang phục dựng nội thất. Đồng thời thay đổi công năng sử dụng, trở thành nơi tiếp khách và tiếp dân của UBND TP sẽ làm cho TP trở nên thân thiện hơn.

Ghi nhận ý kiến và trình UBND TP xem xét

Sở QH-KT TP.HCM ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi hội thảo. Sau khi TP có phương án cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của UBND và HĐND TP đã chỉ đạo Sở QH-KT trưng bày các phương án thực hiện để lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Có nhiều ý kiến đồng thuận nhưng cũng có các ý kiến góp ý, trong đó có việc di dời công trình dinh Thượng thơ. Liên quan đến việc bảo tồn tòa nhà này, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, TP đã chỉ đạo Sở QH-KT tổ chức hội thảo để tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học. Trên tinh thần lắng nghe và cầu thị, chúng tôi xin ghi nhận toàn bộ ý kiến của các chuyên gia và sẽ tổng hợp trình TP xem xét.

Ông NGUYỄN THANH TOÀNPhó Giám đốc 
Sở QH-KT TP.HCM

Hàng loạt công trình có giá trị chưa được bảo vệ

Tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Hòa đã nêu một thông tin giật mình khi hàng loạt công trình có giá trị nhưng chưa được công nhận là di tích như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, trụ sở UBND TP, chợ Bến Thành… TS Hòa cho biết đến tháng 5-2017, TP chỉ có 172 công trình, địa điểm được Chính phủ công nhận và xếp hạng di tích. Trong 96 di tích kiến trúc thì chỉ có 15 công trình mang dấu ấn từ thời Pháp. “So với công trình kiến trúc của Pháp trên địa bàn TP thì số được xếp hạng quá ít, chỉ ước khoảng 5%-7%” - TS Hòa cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm