Thật lạ trước một kỳ đại hội của VFF, duy nhất có một người ngoại đạo lập hẳn chương trình hành động kiếm tiền cho VFF nếu trúng cử, còn lại án binh bất động… thủ thế và thậm chí là rình sơ hở của các đối thủ để chơi nhau.
Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng ấy, VFF như ngôi nhà hoang theo kiểu cha chung vì không ai biết vận mệnh của mình và đều nín thở theo dõi diễn biến của quá trình tổ chức đại hội. Nó cũng là nguồn cơn của những thông tin hành lang và suy đoán gây nhiều trong dư luận.
Chẳng hạn, theo nguyên tắc biệt phái của cán bộ nhà nước lãnh đạo tổ chức xã hội VFF, hai nhân vật Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn và Tổng Thư ký Lê Hoài Anh sẽ trở lại cơ quan chủ quản Tổng cục TDTT. Ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và cấp phó Đoàn Nguyên Đức không ở lại, một ông phó khác đang chờ giải trình, một lo đôn đáo làm giải… thì còn ai bỏ tâm sức ra lo cho HLV Park Hang-seo và các đội tuyển bóng đá nữa.
Đại hội VFF khóa VII càng câu giờ, thầy trò HLV Park Hang-seo càng lo lắng trước những chiến dục lớn. Ảnh: XUÂN HUY
Đại hội VFF càng câu giờ, ông Park càng khổ. Rõ ràng bộ sậu VFF vốn đã mất đoàn kết sâu rộng đang ra sức tìm cách ở lại thiếu minh bạch, tương lai ông Park và các đội tuyển càng mệt. Bóng đá Việt Nam vừa chớm nổi ở giải trẻ châu Á đã thấy dấu hiệu chìm nghỉm từ những cuộc thanh trừng nội bộ VFF trước thềm đại hội, hay các giải vô địch quốc gia cứ lặng lẽ trôi trong sự chán ngán và hững hờ của khán giả.
Ba nhiệm vụ lớn của HLV Park Hang-seo sắp sửa là Asiad 2018 (tháng 8), đến AFF Cup 2018 (tháng 11) và vòng chung kết Asian Cup (tháng 1-2019) với cả núi việc rồi sẽ ra sao? Sợ nhất là tư tưởng “không ăn được phá cho hôi” và “trạng chết, chúa cũng băng hà”, cuối cùng bóng đá Việt Nam còn lại gì?