Kỳ họp Quốc hội (QH) cuối năm khai mạc vào tuần sau (23-10) sẽ nghe, thảo luận kết quả giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đây là kết quả cuộc giám sát được thực hiện theo Nghị quyết 20 hồi tháng 7-2016 của QH. Đối tượng chính của cuộc giám sát là Chính phủ, các cơ quan hành chính từ trung ương tới địa phương.
Báo cáo chính thức sẽ được gửi tới các vị đại biểu QH. Tuy nhiên, bóc tách từ báo cáo của Chính phủ gửi tới đoàn giám sát có thể thấy một phần bức tranh của bộ máy hành chính nhà nước.
Chồng chéo và bỏ trống
Đầu tiên là câu chuyện chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đầu nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ rà soát và thấy có 16 vấn đề là các bộ, cơ quan ngang bộ chồng chéo, giao thoa, đan xen; có hai vấn đề còn bỏ trống chưa có đầu mối nào chịu trách nhiệm; và bốn vấn đề giữa các bộ phải tăng cường phối hợp mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Sau mấy năm khắc phục, đến đầu năm 2016, khi xây dựng đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo thì Chính phủ xác định lại có tới 21 vấn đề giao thoa, còn ý kiến khác nhau. Trao đổi, tranh luận tiếp thì đến nay các bộ, ngành xác định chỉ còn ba vấn đề giao thoa và số vấn đề cần phân công, phối hợp tốt hơn là chín.
Chênh lệch, khác biệt về con số thống kê cho thấy cần có tiêu chí rõ ràng hơn để đánh giá về quản lý hành chính nhà nước. Có vậy mới xác định được lĩnh vực nào đang còn bỏ trống, lĩnh vực nào có sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành và phần nào thì phải tăng cường phối hợp.
Báo cáo cũng cho hay cơ cấu, tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 về cơ bản đang giữ ổn định như khóa trước, gồm 18 bộ, bốn cơ quan ngang bộ và tám cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, trong từng bộ thì đang tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2016, đặt ra nguyên tắc không tổ chức phòng trong vụ. Tính đến giữa năm 2017, với 11 bộ đã sắp xếp xong tổ chức thì giảm được 26 phòng so với khóa trước. Số lượng vụ thuộc bộ cơ bản giữ nguyên. Ngoài ra, Chính phủ xác định các bộ sẽ không duy trì cơ quan đại diện của bộ đặt tại TP.HCM như hiện nay nữa.
Phòng cháy, chữa cháy là một trong những lĩnh vực cần được tiếp tục nghiên cứu để chuyển giao cho các bộ, ngành khác. Ảnh: HTD
Hợp nhất một số cơ quan Đảng và chính quyền
Về các giải pháp khắc phục, Chính phủ có đưa ra một số kiến nghị tương tự như nội dung vừa được Hội nghị Trung ương 6 thảo luận. Đó là thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng: Ba văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh thành một; hợp nhất bộ máy thanh tra, nội vụ bên chính quyền với kiểm tra, tổ chức bên Đảng; một đầu mối chung cơ quan văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị ở địa phương…
Ngoài ra, đáng chú ý là Chính phủ nhắc lại quan điểm định hướng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa X là “đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý”. Do đó, báo cáo của Chính phủ cho rằng một số lĩnh vực như PCCC; đăng ký và cấp biển phương tiện giao thông đường bộ; quản lý hộ khẩu; quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng… cần được tiếp tục nghiên cứu để chuyển giao cho các bộ, ngành khác.
Đây không phải là vấn đề mới. Bởi Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp từng yêu cầu “chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”. Chính phủ ngay sau đó đã dự thảo Bộ luật Thi hành án theo hướng có lộ trình chuyển giao quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, sau đó phương án này không đạt đồng thuận, phải dừng lại và cơ bản giữ nguyên cho đến thời điểm này.
Không hiệu quả thì phải giải thể Theo số liệu báo cáo của 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ và tám cơ quan thuộc Chính phủ, tính đến ngày 10-12-2016 có 123 tổ chức phối hợp liên ngành (77 tổ chức do Thủ tướng hoặc các phó thủ tướng đứng đầu, 46 tổ chức do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đứng đầu) đang hoạt động với nhiều tên gọi khác nhau. Báo cáo cũng nêu rõ định hướng việc sắp xếp, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành trong thời gian tới. Theo đó, đối với các tổ chức phối hợp liên ngành từ khi thành lập đến nay không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả thì giải thể; các tổ chức được thành lập theo các chương trình quốc gia, các hội đồng... có thời hạn thì khi hết thời hạn tự giải thể. Tiếp tục rà soát, chuyển nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp hoặc bộ, ngành đó đang làm nhiệm vụ thường trực của tổ chức phối hợp liên ngành để gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của bộ, cơ quan ngang bộ có hiệu quả hơn. Khó tinh giản 10% biên chế Về quản lý biên chế, báo cáo của Chính phủ gửi đoàn giám sát của QH cho thấy tổng số công chức từ các bộ xuống tỉnh, huyện, xã về cơ bản ổn định và có giảm so với năm 2011. Tuy nhiên, số hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn thì tăng mạnh, thêm tới 210.286 người so với năm 2011. Hiện tượng này cũng xảy ra ở khu vực sự nghiệp công lập, tăng 121.736 người, chủ yếu ở địa phương. Cũng theo báo cáo này, công tác tinh giản biên chế đang có nhiều lúng túng. Biểu hiện là đa số bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt đề án tinh giản biên chế từ nay tới năm 2021, mà như thế thì khó đạt mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là trong nhiệm kỳ này tinh giản được 10% tổng biên chế. |