Em Bùi Đoàn Quang Huy, 15 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái bị người nhà bạn học đánh, bắt quỳ gối xin tha giữa chốn đông người. Tệ hơn nữa, có người quay clip đó và đăng lên Facebook. Không chịu đựng nổi vì đã bị làm nhục tới hai lần, em đã treo cổ tự tử ngày 25-9. Mới đây, gia đình em đã viết đơn yêu cầu khởi tố vụ án.
Năm ngoái, dư luận cũng từng sững sờ khi biết em NTAT (cũng 15 tuổi, ngụ Đồng Nai) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử khi clip nhạy cảm của em với bạn trai PĐL bị tung lên Facebook.
Hai đứa trẻ 15 tuổi đã phải chọn cái chết vì quá tuyệt vọng và tổn thương. Thực tế, rất nhiều người không ngờ hành vi khiến người khác vì đau lòng, nhục nhã nên chọn cái chết lại có dấu hiệu tội phạm.
Bị đánh không tức bằng bị tung clip
Từ các câu chuyện đau lòng này, Nguyễn Mỹ Anh (24 tuổi, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã bày tỏ bức xúc vì hành vi làm nhục người khác giữa chốn đông người. Mỹ Anh nhớ lại chuyện của mình: “Khi tôi học lớp 4, có lần tôi đánh bạn và ném cặp sách của bạn ấy vào sọt rác. Những mâu thuẫn ở trường học thường chúng tôi tự giải quyết với nhau, vài hôm, lâu thì vài tuần lại làm lành. Ai dè hôm sau, mẹ bạn ấy đến và mẹ bạn ấy vào thẳng lớp chúng tôi và mắng tôi một trận, còn tát tôi ngay trước mặt các bạn. Lúc đó chưa đến giờ vào học nên bạn bè các lớp khác cũng xúm lại xem.
Mấy ngày liên tục tôi đi đâu cũng bị bạn bè chỉ trỏ, có bạn thấy tôi đi qua còn giả vờ tát nhau, nhái lại câu mẹ bạn từng nói với tôi. Tôi rất xấu hổ. Về nhà, tôi còn đòi nghỉ học. Phải hơn một tuần sau tôi mới có thể bình thường trở lại. May mắn là ngày đó chưa phổ biến điện thoại di động như bây giờ nên không bị quay clip. Nếu bị bắt quỳ giữa đường xin lỗi rồi tung clip lên mạng như em học sinh trên Yên Bái chắc tôi cũng sẽ suy sụp, tự tử thì không nhưng chắc tôi cũng xin chuyển trường hoặc nghỉ học”.
Cùng chung tâm trạng bức xúc, em Võ Thúy Hiền (Trường THPT Ngô Quyền, TP.HCM) bày tỏ: “Em thấy bạn bè hay chia sẻ những clip học sinh đánh lộn, xé rách cả quần áo luôn. Có clip cả triệu lượt xem. Mấy tháng trước, em nhớ có clip các bạn học cấp II cầm ghế phang lên đầu một bạn nữ, sau đó bạn nữ phải chuyển trường lên TP. Em chưa bao giờ dám xem hết clip vì nhìn rất ghê.
Nếu đặt mình trong tình huống vừa bị đánh vừa bị quay clip lại cho bao nhiêu người xem vậy chắc em bị khùng luôn, khùng vì vừa tức vừa thấy xấu hổ với bạn bè, thầy cô và bản thân mình. Tức bạn đánh mình là một chuyện nhưng tức bạn quay clip hơn. Vì bạn không can ngăn đã đành còn quay lại đưa lên Facebook làm trò đùa cho mọi người, em đọc dưới clip có những người không biết chuyện còn comment kiểu hả hê, vô trách nhiệm: “Đáng bị đánh…”. Người quay clip sau này có thể xóa nhưng hàng trăm người đã tải clip về, rồi chia sẻ trên các trang khác thì làm sao xóa hết”.
Hãy cấp cứu tinh thần cho nạn nhân
BS trị liệu tâm lý y khoa Trương Chí Thông cho rằng: “Bị bạo hành và xúc phạm là một khủng hoảng trầm trọng đối với lứa tuổi vị thành niên. Các em cần được cấp cứu ngay về mặt tinh thần. Với những trường hợp này, các em cần có người thân, bạn thân ở bên cạnh, thậm chí họ luôn túc trực và ngủ chung để các em không làm điều dại dột. Bước tiếp theo là cách ly nạn nhân khỏi môi trường có liên quan đến sự việc xảy ra”.
Để không có những trường hợp tương tự, theo BS Trương Chí Thông là cần phải giáo dục kỹ năng sống và bản lĩnh sống cho các em. Hầu hết các em nhỏ đều không được dạy về kỹ năng ứng phó với những tình huống xấu, bất ngờ, mà trong cuộc sống luôn có thể xảy ra những tình huống rất tồi tệ ở những thời điểm nào đó. Gia đình và nhà trường cần chú trọng điều này, nếu nhà trường chưa làm được thì gia đình phải là trường học đầu tiên cho các em về kỹ năng sống. Hãy làm cho trẻ hiểu rằng bất cứ lúc nào cũng có thể có điều tồi tệ, bất công xảy ra và dạy trẻ cách ứng phó với nó.
Có dấu hiệu của tội làm nhục người khác Người đánh, bắt em Huy quỳ ở cổng trường và người quay clip sau đó đưa lên mạng xã hội có dấu hiệu tội làm nhục người khác quy định tại Điều 121 BLHS về tội làm nhục người khác. Cụ thể, điều luật này quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Điều 48 BLHS quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác. Nếu em Huy không tự tử thì những người này có thể bị xử phạt hành chính được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM Các em và các bậc cha mẹ phải nhớ rằng luôn có cách, luôn có người có thể giải quyết vấn đề tốt nhất cho mình. Người làm việc xấu với các em thì lỗi là của họ, các em không có lỗi. Ngay cả với người lớn, đã có người không chịu nổi sự xúc phạm mà tự tử, tôi đã biết vài trường hợp như thế. Điều này quá sức với người lớn, huống hồ trẻ nhỏ. Ông TRƯƠNG CHÍ THÔNG, bác sĩ trị liệu tâm lý y khoa |