Gần 20 ngàn khán giả trên sân Thống Nhất không một câu nói nặng lời mà ngược lại còn động viên, chia sẻ với các cô gái Việt Nam khi thất bại. Họ rất trân trọng những gì nữ tuyển thủ đã cống hiến bằng tất cả sức lực của mình.
Bước vào phòng họp báo sau trận đấu, HLV Trần Vân Phát thừa nhận đội tuyển Thái Lan thắng xứng đáng. Thắng không chỉ diễn tiến trên sân mà cả lộ trình của hai nền bóng đá. Ông Phát nói rằng bóng đá nữ Việt Nam vẫn chỉ có sáu CLB tập trung đá hai lượt trong thời gian ngắn cộng lại chưa được một tháng. Trong sáu CLB ấy có CLB gần đến giải mới tập trung và đá xong thì ai về nhà nấy. Sự không đồng bộ đấy dẫn đến những kết cục là một đội tuyển thiếu đồng đều, thiếu ăn ý, thiếu cả bản lĩnh và sức mạnh. Trong khi đó Thái Lan có một giải chuyên nghiệp quy mô được tổ chức quy củ từ cấp CLB đến hệ thống giải đấu. Bên cạnh đó là xen kẽ những đợt tập trung ngắn hạn trong thời gian dài. Điều này giúp các tuyển thủ có được cơ hội chơi cùng nhau nhiều và dễ ăn ý, dễ nâng chất hơn.
Bóng đá Thái Lan thắng xứng đáng vì sự chuẩn bị tốt hơn với một lộ trình phát triển đồng bộ và chuyên nghiệp được thực hiện từ rất lâu cùng sự hỗ trợ của bộ máy giúp việc là các chuyên gia Đức. Ảnh: XUÂN HUY
Cách đây chưa lâu, khi bóng đá nữ Việt Nam còn ngự trị vị trí đứng đầu Đông Nam Á thì người Thái đã âm thầm bắt tay vào chiến dịch tái thiết bóng đá nữ. Khi ấy, cựu HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam Mai Đức Chung được mời sang Thái Lan dự khán các trận đấu giải vô địch nữ và tham quan các CLB nữ Thái Lan. Ông Chung đã giật mình và choáng ngợp trước sự quy mô trong đầu tư xây dựng và đào tạo bài bản của bóng đá nữ Thái Lan. Mỗi CLB có từ 70 đến 100 cầu thủ trẻ từ bảy tuổi trở lên được các HLV giỏi đào tạo, dẫn dắt, trong đó có cả đội ngũ chuyên gia nước ngoài trợ giúp về chuyên môn, dinh dưỡng và thể lực… Và ông Chung đã khẳng định với những chiến lược bài bản như thế thì không có lý do gì sau gần một thập niên bóng đá nữ Thái Lan không vượt mặt Việt Nam được.
Bóng đá nữ Việt Nam không chỉ rất manh mún trong khâu đào tạo trẻ mà còn những bất cập và sự lệch pha của sáu CLB trên toàn quốc cứ đến mùa giải lại lo “chạy gạo”, lo kinh phí. Còn ở cấp đội tuyển, đến gần giải thì VFF mới đổ kinh phí vào tập trung cầu thủ và cho tập huấn với chế độ tương đối. Thậm chí có những chuyến tập huấn được khoán hết cho chuyên gia mà không nắm được thời tiết, dinh dưỡng, chất lượng ở nơi tập huấn. Nó hoàn toàn không có chút gì là chiến lược phát triển lâu dài và căn cơ.
Việc các cô gái Việt Nam nhiều lần lên ngôi vô địch Đông Nam Á là do những nỗ lực vượt khó, do tinh thần chiến đấu quả cảm và những hy sinh cao cả chứ không phải kết quả của một nền bóng đá có đầu tư chiều sâu, đúng hướng và lâu dài.
Thương cho những giọt nước mắt của các cô gái đã nỗ lực cùng cực và người hâm mộ hết mình để tiếp sức cho các cô gái thua thiệt đủ kiểu so với đối thủ.
TẤN PHƯỚC
Sự khác biệt lớn ở ban huấn luyện hai đội Trận play off, nhìn vào khu kỹ thuật của hai đội không thể không chạnh lòng. Nếu đội tuyển Việt Nam hầu như chỉ có HLV Trần Vân Phát xoay xở điều hành thì ban huấn luyện Thái Lan có cả một đội ngũ đông các chuyên gia người Đức giúp việc cho nữ HLV trưởng người Thái. |