Cấm cửa xe ngoại tỉnh là phân biệt đối xử

“Việc Hà Nội đặt ra lộ trình cấm xe máy ngoại tỉnh nhưng không điều tra lượng xe của các tỉnh cụ thể vào Hà Nội, đối tượng nào thường vào hay họ vào để làm gì thì sẽ không tính toán được giải pháp cụ thể để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân khi cấm xe. Vì vậy, cho dù Hà Nội có cấm thì vì nhu cầu cuộc sống, nhiều người trong diện cấm sẽ tìm mọi cách để “trụ” lại ở Hà Nội bằng chiếc xe máy biển số Hà Nội. Nhiều hệ quả khác cũng vì thế mà phát sinh”. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhận định về việc Hà Nội đặt ra nhiều giải pháp hạn chế xe cá nhân, trong đó có giải pháp cấm xe máy ngoại tỉnh.

Giải pháp cũ nhắc lại

Trước đó, Sở GTVT TP Hà Nội đề xuất từ năm 2021 sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội ô (đường vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày và mở rộng phạm vi cấm từ năm 2023. Cạnh đó, nhiều khu vực như các tuyến phố cổ sẽ hạn chế xe máy. Năm 2025, phạm vi cấm xe máy được mở rộng.

Giải pháp cấm xe ngoại tỉnh hoạt động ở TP Hà Nội là không xa lạ. Cách đây hơn 12 năm, đầu năm 2004, Sở GTVT đã đề nghị UBND TP Hà Nội cấm xe máy biển số “tỉnh lẻ” hoạt động ở Hà Nội (trừ mô tô, xe máy quá cảnh) nhưng không được chấp thuận.

“Việc cấm cửa như trên là nặng tính chất phân biệt đối xử. Trên câu chữ là xe Hà Nội và xe ngoại tỉnh nhưng thực chất là sự phân biệt đối xử giữa công dân Hà Nội và công dân không phải người Hà Nội” - một độc giả phản ánh với Pháp Luật TP.HCM.

Sở GTVT TP Hà Nội đang tính đến việc cấm cửa xe máy ngoại tỉnh để giảm kẹt xe. Ảnh: PHI HÙNG

TS Phạm Sanh nhận định giải pháp này không mới nay nêu lại mà vẫn thiếu sự điều tra, khảo sát cụ thể. “Ví dụ, dòng lưu thông từ Hải Phòng, Thanh Hóa… đổ về Hà Nội thế nào và dự báo trong tương lai sẽ ra sao? Những điều này cần được khảo sát, nghiên cứu để khi cấm xe máy các tỉnh, thành này vào Hà Nội thì có một nhóm giải pháp để cấm mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân” - TS Sanh nhận định.

Đề án không sát thực tiễn

Bên cạnh việc cấm cửa xe ngoại tỉnh, hạn chế xe máy, Sở GTVT TP Hà Nội còn đề xuất thực hiện nhiều biện pháp như hạn chế hoạt động của ô tô theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực nhất định; thu phí ô tô cá nhân… Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ủng hộ việc hạn chế xe máy và ô tô cá nhân. Tuy nhiên, lệnh cấm xe máy chỉ được thực hiện khi phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại tối thiểu của người dân. TS Phạm Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nhận định đến năm 2020 giao thông công cộng Hà Nội và TP.HCM cùng lắm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại. “80% người dân còn lại đi bằng gì? Vì vậy việc cấm xe cá nhân là thiếu khoa học” - TS Thủy nhận xét.

Theo ông Thủy, trước tiên Nhà nước phải cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông công cộng để đáp ứng tối thiểu 30%-40% nhu cầu đi lại rồi hẵng cấm xe cá nhân. TS Thủy nói: “Giao thông công cộng không đáp ứng mà cấm xe cá nhân để giảm ùn tắc là không ổn. Chúng ta hay đổ lỗi ùn tắc giao thông là do người dân nhưng tôi cho rằng là do tầm nhìn chiến lược về quy hoạch giao thông quá kém. Đặc biệt, một thời gian dài chúng ta không xây dựng các đường xuyên tâm, hướng tâm; không phát triển giao thông công cộng tương xứng. Hạ tầng thiếu, phương tiện giao thông công cộng kém nên người dân phải sắm xe cá nhân là tất yếu”.

Nghiên cứu kỹ, tránh gây phản ứng tiêu cực

Về lâu dài thì việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là cần thiết, nhất là ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, lộ trình này cần phải nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo công bằng, tránh gây ra phản ứng tiêu cực.

Hà Nội là trung tâm chính trị-xã hội, kinh tế, giáo dục của cả nước, tập trung rất nhiều người ngoại tỉnh về học tập, làm việc và sinh sống. Xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của họ nên gần như không thể cấm mà chỉ hạn chế phần nào.

Ông UÔNG VIỆT DŨNG, Phó Chánh Văn phòng
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Xe buýt phát triển mới hạn chế xe cá nhân

Ngày 20-9, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT thuộc Bộ GTVT (cơ quan phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội soạn thảo đề án), khẳng định cơ quan này đang phối hợp làm báo cáo phục vụ hội thảo xin ý kiến xây dựng đề án chứ chưa phải đã hoàn chỉnh.

Ông Mười cho rằng việc hạn chế xe máy các tỉnh là có lộ trình. Cụ thể, khi nào phương tiện vận tải công cộng được nâng lên lúc đó mới hạn chế xe cá nhân. Vì vậy, trước hết phải tập trung phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt cho phù hợp với nhu cầu và kịch bản hạn chế xe cá nhân. Mục tiêu của đề án không phải là cấm xe cá nhân mà là quản lý và hạn chế để phù hợp với tình hình giao thông. “Việc hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội là học hỏi kinh nghiệm từ các TP Quảng Châu, Bắc Kinh của Trung Quốc và một số nước khác như Singapore. Chúng tôi có chắt lọc để xin ý kiến đóng góp của các đại biểu trong hội thảo” - ông Mười nói.

Hà Nội rất quyết tâm hạn chế xe cá nhân song qua một số ý kiến phân tích cho thấy đến năm 2025 vẫn chưa thể cấm được xe máy. Nguyên do phương tiện vận tải công cộng lúc đó chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Ông TRƯƠNG QUANG NGHĨA, Bộ trưởng Bộ GTVT nói tại cuộc họp của Ủy ban An toàn giao thông
Quốc gia hôm 7-9

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm