Cảm hứng âm nhạc từ ông Nguyễn Sự

Lâu nay nhiều người chọn làm phim điện ảnh, phim quảng cáo… hay tìm kiếm các loại hình giải trí mới để quảng bá cho một điểm đến. Du lịch Việt từng chứng kiến du khách Việt đến với Phú Yên sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quay tại đây, hay hình ảnh đẹp lung linh của Phong Nha, Hạ Long, Ninh Bình trong phim Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu) làm ai cũng mong ước một lần được đến.

Thế nhưng nhiều người đã bỏ quên âm nhạc, một “chìa khóa vàng” cho những người làm du lịch nếu biết tận dụng nó.

“Tôi học ông Sự để làm âm nhạc”

Di sản âm nhạc Việt Namđã có màn chào sân đầu tiên khá ngọt ngào để chuẩn bị cho chuỗi ba đêm của chương trình tiếp tục diễn ra tại Hà Nội, Hội An và TP.HCM vào tháng 12 sắp tới. Tổng đạo diễn Huy Nguyễn, người được xem là “kiến trúc sư” cho sự ra đời của thương hiệu nghệ thuật Di sản âm nhạc Việt Nam, là một người con Hội An, chia sẻ: “Tôi là một người dân Hội An và người truyền cảm hứng cũng như thôi thúc tôi phải làm thêm gì đó cho TP nhỏ bé này chính là ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Thành ủy TP Hội An). Tôi làm du lịch và tôi đã học ông Sự để làm sao Hội An có thêm nhiều điều đặc sắc bởi ông Sự là người không có gì riêng cho mình mà chỉ làm cho Hội An”.

Từ suy nghĩ phải làm gì cho Hội An, trong những lần đi công tác tại nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, anh Huy Nguyễn nhận thấy bà con Việt kiều khi về Việt Nam ngoài về những TP chính nơi mình sinh ra, lớn lên như TP.HCM, Hà Nội… thì hầu như chỉ có Đà Lạt, Nha Trang trở thành điểm đến du lịch khi họ trở về. “Tại sao Hội An không phải là điểm đến của Việt kiều và du khách nội địa - nguồn khách chủ lực của du lịch Việt Nam trong khi du khách nước ngoài lại đến rất nhiều? Tôi đã “cù rủ” nhạc sĩ Hoài Sa, đạo diễn Cao Trung Hiếu… ngồi xuống bàn làm gì đó cùng nhau, làm cho nhạc Việt, cho những nơi là di sản Việt, trong đó có Hội An. Từ đó Di sản âm nhạc Việt Nam ra đời với những nhạc sĩ, ca sĩ được chọn lựa cũng là những người góp phần hình thành nên diện mạo riêng của nhạc Việt”.

Ca sĩ Tuấn Ngọc trong đêm nhạc Để gió cuốn đi vào tối 31-3 tại TP Hội An, chương trình là số đầu tiên của chuỗi Di sản âm nhạc Việt Nam. Ảnh: ĐẠI NGÔ

Cũng đồng ý với anh Huy Nguyễn, chị Đoàn Thị Thanh Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty IHM, chọn đồng hành với Di sản âm nhạc Việt Nam với mong muốn kích thích thêm du khách nội địa. “Chúng tôi không chỉ hướng đến giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam bằng âm nhạc dân tộc, triển lãm tranh ảnh… mà còn từ âm nhạc đại chúng mang giá trị riêng. Tôi hy vọng Di sản âm nhạc Việt Nam sẽ giúp du khách nhớ đến Hội An không chỉ vì phố cổ mà còn vì đó là điểm đến của nhạc Việt”.

Trong đêm nhạc Để gió cuốn đi tối 31-3 tại Hội An, một số phần hồn cốt của Hội An như hoa đăng, đèn lồng… đã được đạo diễn Cao Trung Hiếu khéo léo đưa lên sân khấu. “Chúng tôi mong muốn trên sân khấu tại vùng đất di sản như Hội An, những nhạc sĩ, ca sĩ góp phần vào di sản nhạc Việt sẽ được tôn vinh. Ví dụ như số đầu tiên chúng tôi chọn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với các giọng ca dấu ấn: Lệ Thu, Tuấn Ngọc… Các số sau có thể là Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Văn Cao, Vũ Thành An…” - đạo diễn Cao Trung Hiếu chia sẻ.

Thêm món ăn cho người dân Hội An

Không chỉ với du khách trong nước hay Việt kiều, Di sản âm nhạc Việt Nam mong muốn là món ăn tinh thần cho người dân của Hội An, là cơ hội để họ được tới gần những giọng ca mà họ yêu mến. Bởi với khu vực miền Trung, Hội An trở thành trung tâm của nghiên cứu, văn hóa nhưng lại chưa là điểm đến của các sự kiện như Đà Nẵng. Vì thế, cư dân phố Hội dường như rất ít cơ hội thưởng thức những đêm nhạc thật sự ngay tại nơi mình sống.

“Chúng tôi đã có kế hoạch đến năm 2020, theo đó hằng năm ngoài chuỗi chương trình Di sản âm nhạc Việt Nam diễn ra vào tháng 12 tại Hà Nội, Hội An và TP.HCM nhằm kích thích du lịch Việt thì với Hội An, hằng năm vào dịp giỗ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ngày 1-4) chúng tôi sẽ thực hiện Di sản âm nhạc Việt Nam riêng cho người dân ở đây. Bởi người dân Hội An quanh năm sống với chính những giá trị văn hóa, họ chỉ tập trung bảo tồn và làm dịch vụ xung quanh đó mà thiếu hẳn giải trí riêng cho mình” - anh Huy Nguyễn chia sẻ thêm.

Cũng chính từ món ăn tinh thần cho người dân Hội An, toàn bộ chương trình Di sản âm nhạc Việt Nam - Để gió cuốn đi sẽ được phát hành dưới dạng DVD dành tặng cho người dân phố Hội. Riêng chương trình Di sản âm nhạc Việt Nam vào tháng 12 hằng năm tại ba tỉnh, thành cũng sẽ được phát hành DVD để dành tặng cho bà con Việt kiều thông qua các buổi diễn của các ca sĩ hải ngoại.

Di sản âm nhạc Việt Nam sẽ là âm nhạc đích thực

Chương trình Di sản âm nhạc Việt Nam là thương hiệu do Trung tâm Văn hóa TP Hội An, Công ty Indochine Hospitality Management (IHM) và Vietvision cùng thực hiện.

Nhạc sĩ Hoài Sa, Giám đốc âm nhạc của sêri Di sản âm nhạc Việt Nam, chia sẻ: “Di sản âm nhạc Việt Nam sẽ chọn lựa những ca sĩ, nhạc sĩ… có dấu ấn với nhạc Việt bằng sự nghiệp và đời sống của họ. Phần hòa âm ca khúc ở các nơi như TP.HCM hay Hà Nội cần nhiều sự mới mẻ nhưng với khán giả như Hội An người ta lại thích nghe mộc mạc, giản dị. Và kỳ thực, âm nhạc di sản không cần quá cầu kỳ, yếu tố thưởng thức âm nhạc, nghe nhạc phải được đặt lên hàng đầu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới