Gần đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng đang vươn lên vị trí số một về năng lực cạnh tranh bằng cách đẩy mạnh du lịch.
Có thể nói cú hích để tạo con số du khách đến Quảng Nam ấn tượng trong thời gian qua bắt nguồn từ lãnh đạo tỉnh này biết trăn trở, trân quý những giá trị của lịch sử, có những ý tưởng táo bạo về du lịch. Nói một cách công bằng, du lịch Quảng Nam sẽ không thể đạt con số hàng triệu lượt khách nếu không có công đóng góp của những vị lãnh đạo này.
Những người làm nên hành trình di sản
Người đã đặt nền móng cho những con số du khách ấn tượng của ngành du lịch Quảng Nam hiện tại chính là ông Hồ Nghinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và không thể không kể đến ông Nguyễn Sự.
Các chính khách Quảng Nam, Đà Nẵng và những người nghiên cứu lịch sử vùng đất này khẳng định ông Hồ Nghinh đã có những quyết sách táo bạo cứu hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Ông Nghinh đã cương quyết không cho “đập bỏ cái cũ để xây dựng cái mới đàng hoàng, to đẹp hơn” nên hai di tích này còn đến nay.
“Hồ Nghinh là nhà lãnh đạo có công đầu trong việc bảo tồn hai di sản văn hóa thế giới ngày nay là Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn” - ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nhận xét.
Từ người lãnh đạo có tầm nhìn đó, hai di sản văn hóa thế giới này đã vực dậy cả ngành du lịch Quảng Nam. Năm 2016, Quảng Nam đón trên 4,4 triệu lượt khách (thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 7.500 tỉ đồng) và Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn đóng góp phần lớn số du khách. Du khách đến với Quảng Nam là tới Hội An và Mỹ Sơn. Không chỉ vậy, thương hiệu du lịch Hội An, Mỹ Sơn còn được nhiều tổ chức du lịch quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến lý tưởng nhất.
Chúng ta cũng không thể không nhắc tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thời điểm làm lãnh đạo tỉnh này. Ông Phúc là người tiên phong kéo ô tô Trường Hải-Thaco về với Quảng Nam, để hiện nay tập đoàn này đóng góp nguồn thu cho ngân sách tỉnh 15.000-16.000 tỉ đồng (mỗi ngày đóng thuế trên 50 tỉ đồng).
Không chỉ thế, ông Phúc từng kinh qua chức vụ giám đốc Sở Du lịch nên ông đặc biệt quan tâm tới ngành này. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục hành trình của ông Hồ Nghinh khi không chỉ bảo vệ hai di sản này mà còn tạo nguồn thu cho Quảng Nam.
Cụ thể, vào năm 2003, chính ông Phúc và các lãnh đạo đầu tàu của tỉnh đã đưa ra một quyết định quan trọng bằng việc nâng “thương hiệu” di sản Hội An và Mỹ Sơn lên tầm quốc tế khi tổ chức “Festival hành trình di sản Quảng Nam”. Và năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức “Festival Di sản Quảng Nam” lần thứ 6 - 2017 với chủ đề “Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản”. Hành trình di sản này đã kết nối hàng ngàn nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ ít nhất 15 quốc gia tham dự.
Đà Nẵng trở thành điểm đến của cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới năm 2016. Ảnh: LÊ PHI
Linh hồn của Hội An
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết kể từ ngày được khởi xướng bắt đầu từ những người làm du lịch như ông, đến sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lễ hội hành trình di sản đã trở thành “đặc sản” riêng của Quảng Nam. “Qua lễ hội hành trình di sản chúng tôi đã quảng bá du lịch Quảng Nam ra với bạn bè quốc tế. Lượng du khách tăng mạnh sau mỗi lần tổ chức lễ hội và ngành du lịch đang đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách” - ông Hài cho biết.
Ngoài ra, du lịch Quảng Nam tạo ra sự ấn tượng đó còn phải kể đến một người rất đặc biệt của Hội An, đó là ông Nguyễn Sự (Bí thư Thành ủy Hội An). Ông Sự là quan chức, dành trọn đời mình cho từng góc phố cổ. Có thể nói chính ông Sự là nhân tố trực tiếp đưa di sản Hội An trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới. Ông Sự như một “vị thần bảo vệ” hay còn được gọi là “linh hồn” của Hội An. Nhắc đến Hội An là người ta nhắc đến Nguyễn Sự.
Tổ chức phố đi bộ thì ông Sự tiên phong đạp xe đạp đi làm; từng ngôi nhà trùng tu ông trằn trọc đến không ngủ để tính toán giữ cho được cái gốc của từng hoa văn; khách không hài lòng với cách phục vụ thì ông trực tiếp tới tìm hiểu và giải quyết. Đặc biệt, là một người rất kỹ tính, níu giữ cho bằng được từng nét lịch sử nhưng ông Sự cũng mạnh mẽ cổ xúy cho những ý tưởng thúc đẩy du lịch, miễn sao nó không phá nát Hội An của ông.
Đặt nền móng TP của sự kiện
Đà Nẵng cũng vậy, các lãnh đạo TP này hiện nay cũng đang coi du lịch - dịch vụ là “con cưng” của mình. Từ thời cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đến những vị lãnh đạo kế nhiệm, ngoài đất đai thì du lịch là nguồn lực góp phần định hình nên TP trẻ này. Lễ hội pháo hoa quốc tế, cuộc đua thuyền buồm quốc tế, cuộc đua marathon quốc tế, các hội nghị thượng đỉnh châu lục…, đang cuốn cả TP vào guồng máy “TP của lễ hội và sự kiện thế giới”.
Những resort, khách sạn, nhà hàng… đẳng cấp phát triển một cách chóng mặt. Các lễ hội, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng đang được đánh giá mang tầm quốc tế. APEC 2017 với sự có mặt của 21 nguyên thủ quốc gia sẽ tới TP đủ để thể hiện Đà Nẵng đã là một tên tuổi lớn của ngành du lịch thế giới. Đà Nẵng lần lượt “gặt” các danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á về sự kiện và lễ hội” và nằm trong “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á”…
Dễ nhận thấy những thành tựu du lịch của Đà Nẵng đều in đậm “dấu chân” của lãnh đạo TP. Từ quy hoạch đô thị biển, những bãi tắm công cộng, những cây cầu, khu vui chơi…, thậm chí cả kết nối giao thông đều trọng tâm hướng đến ngành mũi nhọn du lịch. Thậm chí rất nhiều chủ trương táo bạo được TP này thực hiện như xin tách và thành lập Sở Du lịch. Hiện nay Đà Nẵng đang tiếp tục đeo bám xin trung ương cho bằng được việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.
Những con số du lịch ấn tượng - Năm 2016, TP Đà Nẵng đón tới 5,5 triệu du khách, tổng thu du lịch đạt 16.000 tỉ đồng. - Năm 2017, Đà Nẵng đặt mục tiêu 6,3 triệu khách và tổng thu du lịch khoảng trên 18.000 tỉ đồng có lẽ hoàn toàn nằm trong tầm tay. - Với một tầm nhìn dài và có tính toán của người lãnh đạo thì ngành du lịch Đà Nẵng sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” một cách bền vững cho ngân sách TP. |