Ngày 18-9, UBND TP.HCM cùng Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức chương trình đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”.
Sự kiện với sự tham gia khoảng 500 đại biểu gồm lãnh đạo UBND TP.HCM, Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Ông Michael Vũ Nguyễn, Chủ tịch VBF nói: “Thông qua sự kiện chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ đối tác vững mạnh hơn giữa cộng đồng DN với các địa phương. Đặt nền móng tương lai tăng trường bền vững”.
Vẫn còn 6 nhóm vướng mắc
Tại phiên thứ nhất với chủ đề “Tối ưu hóa Hệ sinh thái kinh tế - Chiến lược Logistics, Nhân lực, Thuế và Đầu tư”, ông Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại, VBF cho biết, có sáu nhóm vấn đề mà các DN đầu tư nước ngoài (FDI) đang gặp trở ngại.
Thứ nhất là kế hoạch loại bỏ phương tiện cũ, gây ô nhiễm và chuyển sang tiêu chuẩn Euro 5 và Euro 6, hay nhiên liệu thay thế và xe điện của TP.HCM là gì.
Thứ hai là kết cấu hạ tầng giao thông chưa phát triển mạnh, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Chẳng hạn đường vào cảng Cát Lái thường xuyên kẹt xe, cao tốc Long Thành- Dầu Giây thường xuyên kẹt xe kéo dài…
Bên cạnh đó, hiện nay các DN không rõ có được nhập khẩu xe điện hay không.
Ngoài ra, chuyển đổi số trong logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa rất quan trọng để cải thiện vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cảng biển của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn mức trung bình thế giới, chiếm 25% GDP. Riêng chi phí vận tải chiếm 30%-40% giá thành sản phẩm trong khi tỉ lệ trung bình của thế giới 10%-12%. Ngay tại TP.HCM chưa có trung tâm logistics quy mô lớn ứng dụng công nghệ hiện đại.
Cũng theo ông Đức, một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy ngay khi bước chân vào Việt Nam đó là cảnh xếp hàng dài tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
"Nếu xếp hàng thông thường, mất từ 30-45 phút thậm chí cả tiếng đồng, khi vào cũng như khi ra khỏi Việt Nam. Như vậy tạo nên ấn tượng đầu tiên không tốt, đây là vấn đề chúng ta cân nhắc cần giải quyết”- ông Đức nói.
Đặc biệt, nhu cầu của khách hàng quốc tế hiện nay là sản phẩm xanh. Do đó, logistics xanh ngoài cây xanh trong nhà máy đòi hỏi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...
Vì vậy, các nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi khi đến Việt Nam liệu họ có cơ hội sử dụng năng lượng sạch hay các phương tiện vận tải chạy bằng điện như xà lan điện để vận tải hàng hóa được không.
“Quả thực chúng tôi không có câu trả lời. Nếu chúng ta không có những kế hoạch cụ thể rất khó khăn.....”- ông Đức dẫn chứng.
Đại diện nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại thuộc VBF cho biết, Việt Nam có thể thúc đẩy đáng kể đầu tư nước ngoài bằng cách đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục xin và gia hạn giấy phép kinh doanh.
Điều này đặc biệt quan trọng bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể nản lòng vì các quy trình quan liêu phức tạp.
Theo Nghị định 09/2018 /NĐ-CP đến nay thủ tục cấp phép và thời gian để các DN có vốn đầu tư nước xin giấy phép kinh doanh các ngành bán lẻ, hoạt động cho thuê thiết bị và thương mại điện tử (TMĐT) vẫn rất phức tạp, tốn thời gian.
Một DN FDI muốn mở công ty tại Việt Nam mất từ ba đến năm tháng tìm địa điểm nhưng khi xin giấy phép kinh doanh mất thêm một năm. Do việc này liên quan đến nhiều vòng nộp hồ sơ và trả lời câu hỏi của Bộ Công thương, Sở Công thương.
Nhà ga T3 đi vào hoạt động sẽ cải thiện
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, về các vấn đề mà DN FDI phản ảnh tại khu vực cảng Cát Lái, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất..., hiện nay ngành giao thông đang phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương giải tỏa nhanh những ách tắc. Đồng thời có lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết kẹt xe, ùn tắc giao thông.
Cảng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang gấp rút hoàn thành nhà ga T3 và một số tuyến đường xung quanh. Dự kiến 30-4-2025 giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cải thiện.
Nguyễn Công Hoàn, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông tin thêm, công suất thiết kế của nhà ga 28-30 triệu khách/năm nhưng hiện nay đang khai thác 41,6 triệu khách/ năm, vượt công suất thiết kế nhiều. Với cơ sở hạ tầng quá tải, đôi khi không tránh khỏi hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhất là vào cao điểm. Do đó, nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm, dự kiến đưa vào 30- 4-2025, sẽ giúp giải tỏa năng lực hạ tầng bị quá tải.
Tới năm 2026 theo chỉ đạo của Chính phủ, cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, sẽ cải thiện rất lớn để phục vụ hành khách qua Tân Sơn Nhất cũng như cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Thời gian qua theo chỉ đạo của UBND TP.HCM đơn vị có làm việc với công an cửa khẩu, lực lượng này đã nổ lực hết mình. Chúng tôi ghi nhận và tiếp tục làm việc với công an cửa khẩu, các lực lượng để cải thiện, đáp ứng mong đợi của du khách”- ông Hoàng nói.
TP.HCM sẽ hỗ trợ cho DN nhanh hơn, sớm hơn
Theo ông Hưng, về chuyển đổi các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu xanh, sạch thì hiện nay thành phố giao cho Sở GTVT xây dựng Đề án kiểm soát khí thải của thành phố.
Đề án được phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là xe buýt đang dùng dầu, xăng chuyển đổi sang năng lượng điện. Từ nay đến 2030 toàn bộ xe buýt của thành phố chuyển đổi sang sử dụng năng lượng điện.
Song song giai đoạn hai, nghiên cứu đưa các loại hình còn lại như taxi, ô tô công nghệ, xe máy công nghệ, xe cá nhân. Làm sao đến năm 2050 chuyển toàn bộ phương tiện sử dụng năng lượng điện như Quyết định 876 của Chính phủ.
“Hiện nay Sở GTVT phối hợp với Sở GTVT tỉnh lân cận thống nhất cách thức tổ chức thực hiện để đưa kế hoạch chuyển đổi đồng bộ và hiệu quả nhất”- ông Hưng nói.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng DN FDI đồng thời thành phố kiểm tra, rà soát để điều chỉnh. Chẳng hạn thủ tục phức tạp làm sao đơn giản, rút ngắn thời gian cấp phép…
Theo ông Hoan nhiều vấn đề mà các DN đã phản ảnh vướng mắc có vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương, bộ ngành nhưng với Nghị Quyết 98, Nghị định 84 của Chính phủ cũng đồng thuận giao về một mối cho thành phố như vấn đề cấp phép lao động, bán lẻ, TMĐT…
Do đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng DN nhanh hơn, sớm hơn với những lĩnh vực có liên quan theo Nghị định 84.
Về định hướng thu hút đầu tư của các tỉnh và TP.HCM, ông Hoan cho biết các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ và TP.HCM đáp ứng xu thế chuyển đổi số, tăng trưởng xanh nên có rất nhiều cơ hội, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Nếu tất cả các địa phương cùng phát triển thì kinh tế khu vực phía Nam đóng góp lớn vào phát triển kinh tế cả nước.
Liên quan tới việc xe điện có được nhập khẩu vào Việt Nam, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, DN đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 116 của Chính phủ; phải đảm bảo An toàn về chất lượng theo Luật quản lý chất lượng; phải đăng ký kiểm định và được cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng theo Thông tư 12 của Bộ Giao thông Vận tải trước khi thông quan. Phải có giấy chứng nhận xuất xứ C/O xuất trình cho cơ quan hải quan.
Đặc biệt, xe ô tô điện chỉ được nhập khẩu ở sáu cảng biển gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu đồng thời phải làm thủ tục hải quan ngay tại cửa khẩu nhập đó. Ngoài ra, xe ô tô điện phải chịu thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế VAT và tùy theo chỗ ngồi ô tô điện sẽ có mức thuế khác nhau.