TP.HCM đi đầu trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

(PLO)- TP.HCM sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trao đổi thông tin để việc đầu tư đúng quy hoạch, đúng định hướng của thành phố.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với sáu Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài , bảy doanh nghiệp (DN) tiêu biểu trên địa bàn thành phố năm 2024.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch UBND Võ Văn Hoan chủ trì.

Intel tin tưởng vào sự phát triển ngành bán dẫn của TP.HCM.

Đại diện sáu hiệp hội DN nước ngoài và bảy DN tiêu biểu trên địa bàn thành phố đánh giá cao nền kinh tế TP.HCM phát triển năng động cũng như những nỗ lực của chính quyền thành phố trong tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh của các DN.

Các doanh nghiệp cũng góp ý về các lĩnh vực quan trọng thành phố cần sớm có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, thiết lập thị trường tín chỉ carbon...

Ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết, Hiệp hội cảm ơn UBND TP.HCM và cơ quan ban ngành của thành phố luôn đi đầu trong tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay các công ty Hàn Quốc đang khó khăn tìm kiếm DN sản xuất công nghiệp nguyên liệu thiết bị hỗ trợ nên phải nhập khẩu.

“Hiệp hội đưa ra một yêu cầu cấp bách đó là chính quyền thành phố cần sớm có biện pháp hiệu quả hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ đầu tư trong sản xuất công nghiệp nguyên liệu thiết bị hỗ trợ”- ông Choi Bun Do nói.

Ông Kim Huat Ooi-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Intel Product Việt Nam, cho biết Intel với 18 năm có mặt tại Việt Nam và là nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất, tin tưởng vào sự phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam và TP.HCM.

Việt Nam đang xuất khẩu chip bán dẫn đứng thứ ba thế giới sang Mỹ, doanh số tăng 75% từ năm 2022 đến năm 2023 với hơn 500 triệu USD đang chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ. Qua đó, cho thấy triển vọng xuất khẩu ngành chip bán dẫn tốt và TP.HCM tiếp tục mở rộng thị trường.

“Thị trường bán dẫn toàn cầu với quy mô 1 triệu tỉ USD, đây là tin vui của ngành và đặc biệt Việt Nam có tên trên bản đồ bán dẫn thế giới”- ông Kim Huat Ooi nói.

Tuy nhiên Intel cũng nhận thấy một số thách thức. Hiện nay các quốc gia xung quanh Việt Nam đang đưa ra các cơ chế mới để thu hút các DN bán dẫn nước ngoài đầu tư.

Mặc dù Việt Nam đã đưa ra các ưu đãi tuy nhiên TP.HCM cần tiếp tục làm việc cùng Chính phủ để tiếp tục đưa ra cơ chế mới hấp dẫn hơn để thu hút nhiều đầu tư hơn.

Ngoài ra, ngành chip bán dẫn cần nhiều lao động có kỹ năng, Việt Nam đang có tham vọng đào tạo 50.000 kỹ sư nhưng hiện nay mỗi năm Việt Nam đào tạo 5.000 kỹ sư thì cần tăng tốc nhanh.

Đồng thời với Nghị quyết 98, DN hy vọng hỗ trợ cho lĩnh vực chíp bán dẫn phát triển thuận lợi.

Bà Đỗ Thị Hồng Duyên, Thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội DN Đức tại Việt Nam (GBA) cho biết, các DN Đức tại Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong năm qua. Nhu cầu tiêu dùng ít, thiếu đơn hàng và tăng chi phí sản xuất đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và thương mại.

Tuy nhiên, DN Đức vẫn lạc quan về tương lai đồng thời xác định năm lĩnh vực chính cần cải thiện không chỉ trên quy mô quốc gia mà còn cả địa phương.

Theo đó, GBA kiến nghị thành phố cần tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, cần áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động quản lý công như hành chính, thuế, hải quan và hỗ trợ tự do hóa tài chính xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách cần sự rõ ràng hơn trong việc thực thi và các công cụ được yêu cầu, dễ áp dụng cho mọi loại hình DN và tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán toàn cầu.

Ví dụ gần đây nhất là ưu đãi thuế 8% nhưng DN khó thực hiện do các danh mục ứng dụng không rõ ràng, dẫn đến việc ứng dụng sai, nợ thuế và lãi phạt.

“Bằng cách thực hiện các sáng kiến mới với sự rõ ràng và theo tiêu chuẩn quốc tế, việc thực thi có thể được đơn giản hóa và có lợi cho DN”-bà Duyên nói.

Ngoài ra, liên quan đến hỗ trợ thành phố phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất, GBA đề xuất thành phố cần cải cách giáo dục, có chính sách thúc đẩy nội địa hóa của chuỗi cung ứng, và nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và kho vận.

doanh -nghiep-nuoc-ngoai.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi cùng doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ. ẢNH: TÚ UYÊN

Năm 2024 TP.HCM tập trung giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5%-8%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đánh giá cao các ý kiến góp ý, sự đồng hành của cộng đồng DN FDI và DN trong nước với sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.

Thành phố ý thức việc trao đổi thông tin, gặp gỡ là một trong những cách thức quan trọng để cộng đồng DN FDI và DN trong nước đồng hành tốt hơn cùng thành phố trong thời gian tới.

Theo ông Mãi, năm 2024 thành phố tập trung cao để làm sao giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP như mục tiêu đề ra 7,5%-8%. Để đảm bảo được tăng trưởng này, thành phố tập trung ba động lực chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu với những kịch bản, giải pháp cụ thể.

Về đầu tư, thành phố tập trung cao độ đảm bảo giải ngân đầu tư công. Năm nay TP.HCM phải giải ngân 80.000 tỉ đồng so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 chiếm 22%, nếu làm tốt 22% này chắc chắn góp phần lớn vào tăng trưởng.

Đối với đầu tư FDI, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Thời gian qua thành phố đã đối thoại với từng hiệp hội, từng DN nhưng nhận thấy cần thành lập Tổ công tác tháo gỡ cho DN FDI và đã có quyết định.

TP.HCM sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư với DN FDI, trao đổi thông tin để làm sao việc đầu tư đúng quy hoạch, đúng định hướng của thành phố.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các vấn đề về xuất nhập cảnh, lao động, thuế hải quan, hạ tầng, logistics…chúng tôi ghi nhận và có giải pháp trong thời gian tới.

Đối với đầu tư tư nhân, thành phố sẽ thành lập các tổ công tác tháo gỡ các khó khăn cho DN.

Theo ông Mãi, thời gian qua TP.HCM tập trung tháo gỡ cho DN, nhất là các dự án bất động sản và đã có những kết quả tích cực với sự ấm lên của thị trường.

Về tiêu dùng, TP.HCM tạo ra các chuỗi hoạt động để kích cầu tiêu dùng, các biện pháp thúc đẩy thương mại dịch vụ, đặc biệt có sự tập trung để phục hồi du lịch đến nay đã đạt được quy mô tăng trưởng như trước dịch COVID-19.

Ông Mãi cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tái cơ cấu các ngành kinh tế trong đó ngành dịch vụ sẽ tập trung xây dựng trở thành trung tâm như trung tài chính quốc tế, trung tâm du lịch sự kiện triển lãm quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tầm Asean hoặc châu lục…

Đây là những định hướng thu hút đầu tư ở lĩnh vực kinh tế dịch vụ của TP.HCM mong các nhà đầu tư quan tâm góp ý, lựa chọn cơ hội đầu tư.

Về xuất khẩu, cuối năm 2023 và đầu năm 2024 một số ngành, thị trường có những tín hiệu tích cực và TP.HCM tiếp tục tập trung một số giải pháp hỗ trợ các DN xuất khẩu.

Sắp tới thành phố sẽ có các giải pháp hỗ trợ DN làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn Mỹ, Châu Âu, thực hành ESG…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm