Sở Công Thương TP.HCM có công văn gửi Bộ Công Thương góp ý, đề xuất xây dựng nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Kiến nghị điều hành giá xăng dầu vào thời gian nghỉ tết Nguyên đán
Về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, một số doanh nghiệp (DN) đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá, một số đề xuất quay trở lại chu kỳ điều hành giá 15 ngày.
Một số DN đề xuất có chu kỳ điều chỉnh giá 20 ngày phù hợp với khung thời gian quy định về lượng xăng dầu dự trữ “Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng hai mươi ngày cung ứng...”
Do đó, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất Bộ Công Thương có quy định về giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng, giảm phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, để bảo đảm bám sát hơn với diễn biến thị trường thế giới, tránh giá cả có biến động lớn, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng hoặc DN kinh doanh xăng dầu.
Tại dự thảo nghị định mới, Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu vẫn thực hiện điều hành giá xăng dầu trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán (nếu thời gian điều hành giá trùng vào dịp này).
Gia tăng điều kiện làm đầu mối xăng dầu
Qua công tác kiểm tra của cơ quan chức năng thời gian qua, ghi nhận tình trạng thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định về xây dựng, duy trì điều kiện về hệ thống phân phối, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong kinh doanh xăng dầu…
Bên cạnh nguyên nhân từ DN còn do những bất cập trong quy định hiện hành, nhất là về điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, với quy định hiện hành cho phép DN phân phối xăng dầu có thể không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho chứa, hệ thống phân phối, chỉ cần thuê lại từ các đơn vị khác…Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng dẫn đến tình trạng “lợi dụng” để kinh doanh.
Ngoài ra, quy định cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu, phương tiện vận tải để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận, chưa khuyến khích thương nhân đầu mối đầu tư phát triển kho chứa, dẫn đến khó đáp ứng yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu thương mại.
Từ thực tế trên, Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng các quy định về điều kiện cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng gia tăng các điều kiện đảm bảo chặt chẽ và nâng cao năng lực của DN.
Nghĩa vụ của thương nhân đầu mối và các bên liên quan trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu; việc đảm bảo dự trữ lưu thông theo quy định; đảm bảo cung cấp đủ sản lượng xăng dầu theo đặt hàng hoặc hợp đồng ký kết...
Đồng thời, Bộ Công Thương nghiên cứu, xác định rõ quyền và nghĩa vụ kinh doanh của DN bán lẻ xăng dầu để đưa vào nghị định mới.
Điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu cần đảm bảo toàn diện
Theo quy định hiện hành, trường hợp được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối “Doanh nghiệp có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, gồm tối thiểu năm cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm năm trở lên, trong đó có ít nhất ba cửa hàng thuộc sở hữu trên thực tế…”.
Với điều kiện trên, xảy ra trường hợp DN có cửa hàng bán lẻ thực hiện sở hữu chung với DN khác để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối.
Sau thời gian được cấp phép (5 năm), DN thanh lý hợp đồng và sở hữu chung với DN khác. Điều này ảnh hưởng đến đảm bảo điều kiện kinh doanh của thương nhân phân phối theo quy định.
Đồng thời, với quy định hiện hành cửa hàng xăng dầu không có sự ràng buộc trong giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối sau khi được cấp.
Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất các quy định đảm bảo được tính chặt chẽ, toàn diện trong quản lý và cấp phép đối với thương nhân phân phối xăng dầu.
Giải thích từ ngữ “cải tạo, sửa chữa, nâng cấp” cửa hàng xăng dầu
Theo Sở Công Thương TP.HCM qua rà soát các quy định hiện hành chưa có khái niệm cụ thể về việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mở rộng cửa hàng xăng dầu.
Để thống nhất cách hiểu trong nghị định và các văn bản liên quan, kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung, giải thích từ ngữ đối với “cải tạo, sửa chữa”, “cải tạo mở rộng”, “nâng cấp” cửa hàng xăng dầu.