Người Việt, nhất là các triệu phú đô la, nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về tài sản của mình trong thập kỷ tới khi mà đất nước này củng cố được vị thế trung tâm sản xuất toàn cầu - theo báo cáo của công ty tài sản toàn cầu New World Health và tổ chức tư vấn đầu tư Henley & Partners.
Tăng trưởng tài sản của người Việt sẽ ấn tượng
Chuyên gia phân tích tại New World Health, ông Andrew Amoils, dự báo tăng trưởng tài sản tại Việt Nam sẽ có thể đạt mức 125% trong vòng 10 năm tới. Đây có thể là mức tăng trưởng về tài sản cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác tương đương về GDP bình quân đầu người cũng như quy mô tầng lớp triệu phú tương đương.
“Việt Nam đang trở thành địa điểm sản xuất được các doanh nghiệp công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và may mặc toàn cầu ngày một ưa thích”, ông Amoils lưu ý. Và quá trình này góp phần tạo ra tầng lớp giàu có, tạm gọi là các triệu phú đô la.
Theo Amoils, kết quả nghiên cứu và số liệu cho thấy Việt Nam là nơi tập trung của khoảng 19.400 triệu phú đô la và 58 cá nhân có tài sản từ 100 triệu đô la trở lên. Tăng trưởng tài sản của giới giàu có này qua các năm đều ở mức cao.
Ông Amoils cũng nhấn mạnh Việt Nam đồng thời là nước ổn định hơn so với nhiều nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính vì vậy các doanh nghiệp có thêm động lực để mở rộng địa điểm sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
Còn theo kết quả nghiên cứu công bố gần đây của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, Việt Nam có vị trí chiến lược với đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, đồng thời lại có bờ biển dài, ngay sát tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.
Đất nước này còn đang có những yếu tố thuận lợi như chi phí lao động thấp, hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu tốt. Chính vì vậy không ngạc nhiên khi Việt Nam trở thành địa điểm được giới đầu tư quốc tế ưa thích.
GDP Việt Nam năm 2023 tăng trưởng 5,05% sau khi tăng trưởng được 8,02% vào năm 2022. Mức suy giảm này có nguyên nhân từ nhu cầu toàn cầu suy yếu khiến cho xuất khẩu gặp khó, và vấn đề đầu tư công có phần chưa đạt kỳ vọng. Dù vậy, sản xuất vẫn đóng góp khoảng 25% GDP.
Tốc độ tăng trưởng tài sản của người Việt gắn liền với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hãng phân tích McKinsey lưu ý chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 2.190USD, thì giờ đây chỉ số này đã tăng gấp đôi lên 4.100USD - theo nguồn số liệu của WB.
Thỏi nam châm thu hút FDI?
Trả lời phỏng vấn báo tài chính Mỹ CNBC mới đây, Giám đốc đầu tư của quỹ Vina Capital, ông Andy Ho, nhận xét: “Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và phần lớn dân số hưởng lợi”.
Và sự tăng trưởng tới đây, theo ông Ho, sẽ được thúc đẩy nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm đến Việt Nam để đa dạng địa điểm sản xuất trong chiến lược “Trung Quốc + 1”. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng ổn định qua các năm qua cho thấy điều đó. Như năm 2023 vừa qua, vốn FDI vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, tăng trưởng 32% so với năm liền trước.
Dòng vốn ngoại mang đến việc làm cho nhiều người Việt Nam cơ hội việc làm cũng như giúp hàng triệu người Việt Nam cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam là nền tảng cho tăng trưởng tài sản của người Việt, nhất là các triệu phú đô la. Sự phát triển tích cực này được hỗ trợ quan trọng bởi quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ gắn với ba làn sóng đầu tư nước ngoài trong suốt ba thập kỷ vừa qua. "Và giờ có thể hoàn toàn tin vào khả năng Việt Nam chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ tư" - chuyên gia kinh tế kiêm phó chủ tịch ngân hàng Maybank, ông Brian Lee phân tích.
Những yếu tố rủi ro
Trong xu hướng chung tích cực đó vẫn đang tồn tại những thách thức với triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như tăng trưởng tài sản của Việt Nam.
Ông Lee cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường đào tạo lực lượng lao động để có thể đáp ứng được nhu cầu của những ngành nghề cần nhiều kỹ năng cũng như các công đoạn sản xuất phức tạp mà Chính phủ nước này đang thu hút, kêu gọi đầu tư.
“Sẽ cần đến thêm nhiều các biện pháp để tối đa hóa ảnh hưởng tích cực từ các dòng vốn FDI thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp nước ngoài và đối tác nội địa”, ông Lee góp ý.
Bên cạnh đó là các yếu tố khách quan từ bên ngoài. Giám đốc đầu tư Vina Capital lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường phát triển. Kết quả là xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam sẽ có thể chịu tác động.
Dù vậy, ông Ho tin rằng Việt Nam sẽ giải quyết tốt các thách thức, và không có gì có thể kéo quốc gia này ra khỏi chu kỳ tăng trưởng mà mình đang có - Giám đốc đầu tư Vina Capital trả lời CNBC.