Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây công bố báo cáo có tựa đề : “Promoting Innovative Entrepreneurship in Viet Nam: An Ecosystem Diagnostic”, trong đó phân tích về những yếu tố mang đến động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng cho Việt Nam, ngoài ra đưa ra một số khuyến nghị chính sách về những việc Việt Nam cần làm để có thể trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Năng suất lao động tại “ngôi sao kinh tế” vẫn còn khá hạn chế trong khu vực
Trong vòng 30 năm qua, Việt Nam đã luôn là một “ngôi sao kinh tế” trên toàn cầu, trong giai đoạn này, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình mỗi năm 5,3%, cao hơn bất kỳ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc.
Thành tích nổi bật trên có được nhờ ba động lực tăng trưởng: tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất lao động cao. Ngoài ra, còn phải kể đến một số yếu tố khác bao gồm môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, chất lượng vốn nhân lực cao cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào mạnh.
Tuy nhiên, dù đã ghi nhận sự tăng trưởng, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, theo khẳng định của chuyên gia WB. Mức tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam cũng đã chững lại. Cụ thể tăng trưởng năng suất lao động tại nhà máy (TFP) theo tính toán của WB tăng trưởng chưa đầy 2% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, thấp hơn ngưỡng trung bình của nhiều nền kinh tế Đông Á.
Tăng trưởng năng suất lao động tại nhà máy có vị trí khá khiêm tốn trong tăng trưởng GDP, tỷ lệ đóng góp khoảng 1,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2015 – 2019, theo tính toán của OECD.
Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam dù đã lên rất mạnh từ năm 2010, nhưng vẫn chỉ tương đương khoảng 10% so với Singapore, dữ liệu của Tổ chức Năng suất Lao động châu Á (APO) cho hay.
Chuyên gia WB cho rằng Việt Nam cần phải nhanh chóng tăng được năng suất lao động trong lĩnh vực tư nhân để có thể đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Để có thể duy trì được mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 5,9% mỗi năm và trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 sẽ cần đến việc gia tăng được năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân.
Trong tổng quan nền kinh tế, nhóm các doanh nghiệp tư nhân có đóng góp quan trọng giúp mang đến sự thịnh vượng cho Việt Nam. Nhờ vào chính sách cởi mở thương mại cũng như mô hình tăng trưởng kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam đã thu hút được lượng vốn FDI lớn trong nhiều ngành thâm dụng lao động của chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs).
Năng suất lao động của nhóm doanh nghiệp nước ngoài cao hơn rất nhiều so với nội địa
Tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp tư nhân đã giúp đẩy nhanh quá trình cải tổ cấu trúc, phản ánh ở việc tỷ trọng của lao động ngành nông nghiệp trên thị trường lao động giảm rất nhanh, cùng lúc đó số lượng lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp tăng cao.
Số lượng việc làm cần đến trình độ tay nghề trung và cao tăng lên khi ngày một nhiều người lao động rời khỏi ngành nông nghiệp để làm việc trong ngành sản xuất và dịch vụ. Dù vậy, tỷ lệ việc làm cần trình độ cao vẫn chỉ chiếm khoảng 7% tổng lực lượng lao động của Việt Nam, thị trường lao động có tỷ trọng rất cao các công việc cần trình độ thấp và trung cấp.
Trong khi nhóm các doanh nghiệp tư nhân năng động và tăng trưởng nhanh, năng suất lao động của nhóm này vẫn là một vấn đề, WB nhấn mạnh. Việt Nam có lực lượng các doanh nghiệp tư nhân năng động, phát triển nhiều mảng kinh doanh mới.
WB phân tích Việt Nam có tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cao (HGF), cao hơn ngưỡng trung bình của Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nhóm các doanh nghiệp HFG này đóng góp tạo ra 1,4 triệu việc làm cho kinh tế Việt Nam chỉ riêng trong giai đoạn từ 2017 đến 2020.
Tuy nhiên, nhóm các doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng cao này lại không có sức sáng tạo mạnh mẽ và không thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở mức độ như các doanh nghiệp Việt Nam bình thường, chủ yếu bởi họ chỉ tập trung trong các ngành bán lẻ hoặc xây dựng.
Nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam, thế nhưng lại vượt trội so với các doanh nghiệp nội địa xét về việc làm, lợi nhuận và năng suất lao động. Nhóm này chỉ chiếm tổng số khoảng 3,3% tổng số lượng các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng lại chiếm đến 30% tổng số lượng việc làm và doanh thu.
Năng suất lao động của người lao động trong nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cao gấp 5 lần so với doanh nghiệp nội địa, đồng thời tỷ suất sinh lời đồng vốn và lợi nhuận của nhóm này cũng cao hơn.
Nhóm các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam cũng có năng suất lao động cao, nhưng WB cho rằng đó là do có những chính sách bảo hộ, trợ cấp nhất định cũng như phải xét đến quy mô sản xuất lớn của doanh nghiệp loại hình này. Doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn có ảnh hưởng lớn nhất trong các ngành quan trọng như tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, giao thông… Nhóm này cũng được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng bởi các ngân hàng vốn thích cho các doanh nghiệp nhà nước vay hơn là các doanh nghiệp tư nhân, theo khẳng định của WB.