Sáng 19-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn DN Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024).
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Theo đó, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Tính đến tháng 2-2024, Việt Nam có trên 39,5 ngàn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 473 tỉ USD.
Có 145 nước và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam cũng mở rộng đầu tư Việt Nam ra nước ngoài và bắt đầu thu được hiệu quả.
Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện: Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc năm 2023 theo đánh giá của tạp chí Nhà kinh tế (Tổ chức EIU). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được nâng lên (xếp hạng 46/132, tăng hai bậc so với năm 2022 theo đánh giá của WIPO). Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam có tốc độ tăng mạnh nhất trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được là những hạn chế, khó khăn, thách thức mà theo nhận định của Thủ tướng thì “khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi”.
Việt Nam đang nhận thức rõ điều này và mong cùng làm, cùng thắng với các DN FDI.
Với một tinh thần hợp tác cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong quá trình phát triển, có cái được, cái chưa được, các DN FDI cũng có cái được, cái chưa được nhưng quan trọng là cùng chia sẻ, bảo đảm lợi ích, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Việt Nam có “ba bảo đảm”: Thứ nhất là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN nói chung, DN FDI nói riêng, bảo đảm cho DN FDI ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, xu thế lớn của thời đại như chống biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên; thứ hai là bảo đảm về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài; thứ ba là bảo đảm ổn định về năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hệ sinh thái về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.
“Ba đẩy mạnh”: Thứ nhất là đẩy mạnh đột phá về thể chế, xây dựng luật pháp, nghị định, thông tư phù hợp; thứ hai là đột phá về hạ tầng, gồm hạ tầng kinh tế - xã hội, y tế, giao thông, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; đột phá về cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
“Ba tăng cường”: Thứ nhất là tăng cường lòng tin giữa DN nói chung, DN FDI nói riêng với các cấp chính quyền; thứ hai là tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thứ ba là tăng cường sự hỗ trợ DN phát triển nhanh và bền vững, hướng vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.
Cộng đồng DN FDI đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Muốn như vậy, theo Thủ tướng, cần phải thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới nổi (chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…).
Chia sẻ quan điểm tăng trưởng xanh, Thủ tướng kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, không tăng trưởng bằng mọi giá.
Nhiều chia sẻ từ doanh nghiệp
Tại diễn đàn, mong muốn được lắng nghe những tham vấn, khuyến nghị từ các bên về những hạn chế, khó khăn, thách thức để cùng nhau tháo gỡ, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được nhiều chia sẻ từ phía các DN FDI.
Theo đó, chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun (Kocham) cho hay nhiều khu vực ở phía Bắc Việt Nam vẫn xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng bị cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.
Hiện các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các DN công nghệ cao như bán dẫn nhưng họ chần chừ đưa ra quyết định vì lo ngại thiếu điện” - ông Hong Sun nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam Joseph Uddo (AmCham) nhấn mạnh một trong những yêu cầu cơ bản đối với môi trường đầu tư của các DN là sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.
Ông Joseph đưa kiến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính phát triển cho vay các dự án lớn.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến về các quy định thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng từ năm 2024 gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo ông Hong Sun, kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho thấy đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn từ 500 triệu USD trở lên.
Nếu vậy, số DN có khả năng được hưởng hỗ trợ rất ít và phần lớn DN nước ngoài không được hưởng ưu đãi.
Đại diện của Intel, ông Phùng Việt Thắng đưa ra một số đề xuất, góp ý với Chính phủ. Thứ nhất là về nguồn nhân lực. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao về xây dựng nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn gắn liền với phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Với năng lực của Intel, Intel rất mong được hợp tác với các nguồn lực từ các công ty đa quốc gia hoặc của Việt Nam để cùng đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Đồng thời, DN này bày tỏ sự băn khoăn về việc thuế tối thiểu toàn cầu đã được áp dụng, mong Chính phủ Việt Nam sẽ có các biện pháp trực tiếp và mạnh mẽ để không chịu ảnh hưởng từ thuế toàn cầu tại Việt Nam.
Bên cạnh những quan tâm đến các vấn đề cải thiện hệ thống xử lý rác, quản lý rác và xử lý nước tại Việt Nam, một số ý kiến về việc xin thị thực cho người nước ngoài mất nhiều tháng, với nhiều thủ tục, DN FDI khuyến nghị cần có hỗ trợ về visa cho chuyên gia làm việc dưới sáu tháng. Ngoài ra, yêu cầu về đăng ký thường trú với cơ quan địa phương bất cứ khi nào họ đến và đi gây khó khăn.
Kêu gọi doanh nghiệp FDI tiên phong trong tăng trưởng xanh
Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng DN FDI, nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác phát triển: Khái quát bằng hai cụm từ “ba tiên phong” và “ba đẩy mạnh”, đó là kêu gọi và mong muốn các DN FDI tiên phong trong tăng trưởng xanh.
Một là, tiên phong trong đổi mới trong nhận thức, tư duy, hành động trong tăng trưởng xanh.
Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.
Ba là, tiên phong triển khai các dự án, kế hoạch phục vụ tăng trưởng xanh hướng vào các động lực tăng trưởng đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, bổ sung động lực tăng trưởng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Đối với các đối tác phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh “ba đẩy mạnh” là: Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý, tham vấn chính sách cho Việt Nam; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, kết nối với các đối tác phù hợp; chú trọng sử dụng các nguồn lực tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản trị cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao.