Doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng lo thiếu điện

(PLO)- Trong khi nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho biết, hiện tượng thiếu điện là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư tại Việt Nam, Bộ Công Thương cam kết sẽ không thiếu điện. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024 và gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Diễn đàn năm nay có chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh".

doanh nghiệp
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: MPI

Doanh nghiệp ngoại chần chừ đầu tư

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun (Kocham) cho hay, vào tháng 6,7-2023, nhiều khu vực ở phía Bắc Việt Nam thường xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng bị cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.

Theo vị này, chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được hiện tượng thiếu điện là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của DN Việt Nam.

"Việt Nam đã nỗ lực nhằm đề ra giải pháp, tuy nhiên đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các DN công nghệ bán dẫn nhưng họ chần chừ đưa ra quyết định vì lo ngại thiếu điện", ông Hong Sun nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Hong cho biết, các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên họ vẫn đang ngần ngại đầu tư do việc cung cấp điện tại Việt Nam không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.

Do đó, đại diện cộng đồng DN Hàn Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các DN đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Hàn Quốc duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

doanh nghiệp 5.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các DN FDI. Ảnh: MPI

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam Joseph Uddo (Amcham) nhấn mạnh, nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng, và nguồn cung cấp điện bền vững, nhiều mục tiêu của Việt Nam đề ra sẽ khó có thể đạt được.

Theo AmCham (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ), một trong các nhu cầu chính của DN và các nhà đầu tư đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.

Chính vì vậy, ông Joseph kiến nghị Việt Nam đưa ra giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn, thiết lập cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ngoài ra, ông Joseph khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính phát triển cho vay các dự án lớn.

"Các nhà đầu tư hiện tại cần các quy định hợp lý hơn để có thể cung cấp năng lượng tái tạo, vì nhiều nhà đầu tư mới và các dự án mở rộng cần có khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo để xem xét đầu tư", ông Joseph nói.

Lắng nghe ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ này đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình, không để thiếu điện trong mọi hoàn cảnh.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cam kết việc thiếu điện sẽ không xảy ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Hơn thế, vị này còn cam kết về tính ổn định và chất lượng điện trong thời gian tới.

Thuế suất vẫn là trở ngại của doanh nghiệp ngoại

Cũng tại hội nghị, ông Hong Sun cho hay việc quy định thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng từ năm 2024 đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

"Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5-10%. Do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì các ưu đãi thuế họ được hưởng hiện nay trở nên gần như vô nghĩa", đại diện Kocham nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hong, nội dung của dự thảo Nghị định được Bộ KH&ĐT công khai lấy ý kiến từ tháng 12-2023 bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho thấy đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn từ 500 triệu USD trở lên.

Điều này gây ra lo ngại về việc số DN có khả năng được hưởng hỗ trợ rất ít và phần lớn DN nước ngoài không được hưởng ưu đãi.

Vì vậy, Kocham đề nghị Chính phủ Việt Nam sẽ phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung. Từ đó, có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm