Sự kiện thường niên, Nhận diện điểm sáng đầu tư và kinh doanh năm 2024, do CafeF tổ chức sáng nay, 26-3, các địa phương như Thái Nguyên đã chia sẻ những nỗ lực của mình để thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Cạnh tranh bằng chất lượng nguồn nhân lực
Ông Trần Quốc Trung - Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết dù chưa hết quý I, nhưng gần 500 triệu USD và gần 5.000 tỷ đồng vốn FDI đã “chảy” về tỉnh công nghiệp mới nổi phía Bắc.
Kết quả này đạt được là nhờ nỗ lực bền bỉ của địa phương, trong đó có giải quyết bài toàn nguồn nhân lực.
Tỉnh đã hợp tác chặt chẽ với Đại học Thái Nguyên và những trường dạy nghề trên địa bàn để đảm bảo nguồn cung lao động đạt chuẩn về cả số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng cho nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền đã đồng hành với các cơ sở đào tạo, với doanh nghiệp và người lao động, kết nối việc làm cho 6.000 lao động.
Nỗ lực thu hút vốn FDI những năm qua đã biến Thái Nguyên thành công xưởng, trung tâm sản xuất của các thương hiệu điện tử lớn của thế giới, nhưng thời gian tới còn có thể sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ mới.
Theo ông Trung, tỉnh đã quy hoạch thêm 12 khu công nghiệp, con số gấp ba lần giai đoạn trước 2020. Trong thời gian ngắn tới, tỉnh sẽ trao chứng nhận đầu tư cho một nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, với số vốn dự kiến 5.000 tỷ đồng.
Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết công tác triển khai quy hoạch đang được tiến hành đồng bộ, tinh thần là “dọn tổ” đón đại bàng mới. Tỉnh đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, theo mô hình một cửa để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều người. Thời gian xử lý các thủ tục rút ngắn chỉ còn bằng nửa thời gian so với trước đây,
Ổn định vĩ mô rất quan trọng, nhưng chưa đủ
Dòng vốn FDI trên toàn cầu năm qua giảm đến 40%. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hẳn là “điểm sáng” khi mà số vốn FDI thực hiện đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, với con số tuyệt đối 23,2 tỷ USD. Dự báo năm 2024 này, Việt Nam sẽ tiếp tục có kết quả tích cực thu hút vốn FDI.
Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc khối quản lý và tư vấn giải pháp thanh toán toàn cầu thuộc ngân hàng HSBC Việt Nam, phân tích: “Không chỉ doanh nghiệp FDI mà tất cả doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một nơi nào đó sẽ nhìn đầu tiên là các yếu tố kinh tế vĩ mô có ổn định hay không. Và trên phương diện này, Việt Nam đã luôn làm tốt”.
Cũng theo bà Thùy, nền kinh tế mở của Việt Nam cũng như vị trí địa ngay sát nền sản xuất lớn Trung Quốc là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Dù vậy, quyết định lựa chọn hay không nằm ở bài toàn chi phí, trong đó chi phí nhân lực là phần lớn nhất.
Cùng với đó, trong xu hướng sản xuất xanh hiện này, các yêu cầu về năng lượng sạch cũng được đặt ra. Đây là những vấn đề cần giải quyết không chỉ ở cấp độ địa phương, mà cần phải sự vào cuộc của trung ương ở tầm nhìn quốc gia...