Theo công bố mới đây (ngày 29-2) của Tổng cục Thống kê, số vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-2-2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,3 tỉ USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm trước.
Giải ngân vốn FDI tăng mạnh
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn FDI đạt gần 2,5 tỉ USD, chiếm 59% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 17% so với cùng kỳ.
Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn FDI gần 1,4 tỉ USD, chiếm 33% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.
Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 125 triệu USD và gần 76 triệu USD.
Đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,1 tỉ USD, chiếm hơn 48% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 526 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư, gấp gần 5,1 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án có vốn FDI mới chiếm 32%.
Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua.
Ba giải pháp tăng thu hút vốn FDI
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, cho biết Việt Nam có hai lợi thế khi thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất trong những năm tới.
Thứ nhất là nguồn lao động chất lượng cao với chi phí cạnh tranh. Thứ hai là Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam.
Do đó, các tập đoàn xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ mà không vướng phải rào cản thương mại của chính phủ Mỹ.
Theo ông Michael Kokalari có ba điều quan trọng Việt Nam cần thực hiện để gia tăng khả năng thu hút vốn FDI. Đầu tiên, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là năng lực cung cấp điện và hạng tầng giao thông, kho vận. Thứ hai là cần tiếp tục nâng cao độ mở của môi trường kinh doanh, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư FDI phối hợp với cơ quan quản lý trong quá trình xin cấp phép đầu tư.
“Thứ ba, Việt Nam cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nâng cao cũng như giáo dục hướng nghiệp để đảm bảo chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai”- ông Michael Kokalari chia sẻ.