Ngày 25-7, Sở Công thương TP. HCM tổ chức hội thảo tham vấn lần 1 “Phát triển ngành dịch vụ của TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
TP.HCM xác định dịch vụ là ngành quan trọng
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM xác định dịch vụ là ngành có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của kinh tế thành phố. Trong 10 năm qua, ngành dịch vụ luôn có tỉ trọng đóng góp trên 60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Với đóng góp quan trọng đó, TP.HCM ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm dịch vụ lớn nhất với đóng góp khoảng 30% về tỉ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước giai đoạn 2010-2022.
Theo ông Dũng, thời gian qua, TP.HCM đã đề ra nhiều chương trình, đề án cụ thể để tập trung thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ.
Tuy nhiên qua đánh giá chung, sự phát triển của ngành dịch vụ còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của thành phố.
Thành phố cũng nhận thức được những bất cập cần tháo gỡ như hạn chế về nguồn vốn đầu tư; quá trình chuyển dịch sang các ngành dịch vụ giá trị cao còn chậm so với khu vực; năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ còn hạn chế….
Theo ông Dũng, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, TP.HCM đã ban hành chương trình hành động gồm bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp hiện đại và có giá trị gia tăng cao.
Đây là yêu cầu cấp thiết giúp thành phố tìm ra các giải pháp khắc phục những vướng mắc hạn chế còn tồn tại.
TP.HCM có đầy đủ điều kiện phát triển thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả khu vực
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở được giao chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” nhằm giúp thành phố tiếp tục có các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại.
Đồng thời, tạo đà bứt phá trong tương lai theo các định hướng, tầm nhìn phát triển TP.HCM nói chung và ngành dịch vụ nói riêng.
Ông Vũ cho biết, ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao là các ngành đảm bảo các nhóm tiêu chí: đóng góp cao vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; có tốc độ tăng trưởng cao; sử dụng công nghệ tiên tiến, đòi hỏi hàm lượng tri thức cao, trình độ lao động kỹ thuật cao.
Các ngành đáp ứng theo xu hướng phát triển như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; việc phát triển ngành dịch vụ phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của địa phương...
Nhóm nghiên cứu dự kiến đề xuất chín ngành dịch vụ chủ yếu của Thành phố gồm: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Vận tải, kho bãi; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Thông tin và truyền thông; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; Dịch vụ lưu trú và ăn uống
Đây là những ngành dịch vụ có dư địa tăng trưởng và tác động đến các ngành khác để có định hướng phát triển phù hợp. Góp phần phát triển thành phố trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Theo ông Vũ, qua các phương pháp phân tích đánh giá cho thấy có đầy đủ các điều kiện cần để TP.HCM trở thành Trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực.
Cụ thể, về quy mô và trình độ phát triển nền kinh tế, trong năm 2023, TP.HCM tiếp tục đóng góp hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước, GRDP đạt hơn 1,6 triệu tỉ đồng năm 2023, GRDP bình quân đầu người của TP.HCM đạt 101,9 triệu đồng/người.
Về độ mở của nền kinh tế, TP.HCM cũng là đầu mối trung chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa lớn của khu vực phía Nam, sở hữu nhiều mặt hàng có tổng giá trị xuất khẩu lớn; là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 31, 67% giá trị FDI cả nước năm 2023.
“Điều này minh chứng sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của thành phố, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ cao cấp”-ông Vũ nói.
Theo khảo sát ở Expat City Ranking 2021, TP. HCM lọt tốp 6 toàn cầu về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài, đứng 6/10 thành phố tốt nhất cho người nước ngoài sinh sống và xếp thứ ba Đông Nam Á sau Kuala Lumpur, Singapore....
Điều này tạo ra một hấp lực mạnh mẽ, giúp TP.HCM không ngừng phát triển, mở rộng các ngành dịch vụ cao cấp.
Đề án đã đưa ra định hướng phát triển đối với các ngành dịch vụ tại TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm chín ngành dịch vụ: Tài chính; Thương mại; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thông tin và truyền thông; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Du lịch; Logistics; Văn hóa, thể thao.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, trong chín ngành dịch vụ xác định phát triển thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có một ngành rớt ra khỏi cụm này là dịch vụ kinh doanh bất động sản.
“Như vậy, mục tiêu của chúng ta phát là triển các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng hiện nay và có sàng lọc”-ông Hòa đặt câu hỏi.
GS TS Nguyễn Trọng Hoài, Nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, trên cơ sở rà soát, đánh giá, đề án phân chia các ngành dịch vụ chủ yếu thành ba nhóm chính.
Gồm nhóm ngành dịch vụ chủ lực, ưu tiên; nhóm ngành dịch vụ tiềm năng; nhóm ngành dịch vụ duy trì. Từ đó đề xuất mục tiêu, định hướng phù hợp với tính chất của từng nhóm.
Vì vậy, dịch vụ kinh doanh bất động sản thuộc nhóm ngành dịch vẫn duy trì nhưng phải nâng cấp.