Hiện thực hóa Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM - Bài 1

TP.HCM trên đà trở thành trung tâm tài chính quốc tế

(PLO)- Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cơ sở để TP.HCM có sự chuyển đổi theo hướng thu hút đầu tư và định chế tài chính quốc tế hội tụ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đang sở hữu nhiều lợi thế vượt trội như dẫn đầu cả nước về GDP, thu hút mạnh mẽ FDI, vị trí địa lý vô cùng đặc biệt... Những yếu tố này là nền tảng để TP.HCM nắm bắt xu thế thời đại và biến mình trở thành trung tâm tài chính (TTTC) vươn tầm quốc tế.

Từ khát vọng đến quyết tâm

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC - đơn vị có nhiệm vụ xây dựng đề án TTTC quốc tế TP.HCM), cho biết: Đề án TTTC quốc tế TP.HCM được xây dựng trên sự chấp thuận của trung ương và Chính phủ. TP đã triển khai xây dựng đề án trên cơ sở nội dung tư vấn của các đơn vị trong và ngoài nước, cùng sự góp ý của các chuyên gia do TP mời tại các hội thảo, các tổ công tác.

Các chuyên gia đánh giá việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là mục tiêu phù hợp và khả thi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các chuyên gia đánh giá việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là mục tiêu phù hợp và khả thi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Hòa, sau khi lãnh đạo TP.HCM thông qua, đề án tiếp tục lấy ý kiến góp ý nội dung từ các bộ chuyên ngành như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp… Hiện đề án đã được các bộ, ngành góp ý thông qua và đã được trình lên Chính phủ.

TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết: Thực tế từ những năm đầu thập niên 2000, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 20 về việc xây dựng và phát triển TP.HCM thành TTTC của cả nước và từng bước thành TTTC của khu vực. Thế nhưng chưa thực hiện vì vấn đề này chưa được đưa vào chính sách chiến lược phát triển quốc gia.

Việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn FDI. Ảnh: Q.HUY

Việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn FDI. Ảnh: Q.HUY

“Giờ đây, TP.HCM có quyết tâm cao với các lợi thế đang có. Đó là một đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, dẫn đầu cả nước về GDP, thu hút FDI, thực hiện mạnh mẽ cải cách môi trường kinh doanh... Đây là những yếu tố rất tốt để TP.HCM hiện thực hóa ước mơ của mình là một TTTC của cả quốc gia và xứng tầm trong khu vực” - TS Trần Du Lịch khẳng định.

Các làn sóng thu hút đầu tư

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC, TP.HCM đã từng tạo ra các làn sóng thu hút đầu tư đem lại sự lan tỏa cho nền kinh tế cả nước.

Làn sóng thứ nhất đến từ sự khởi đầu xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đem lại sự phát triển cho các doanh nghiệp nội địa. TP.HCM cũng là nơi đi đầu, nơi tập trung các khu công nghiệp nhiều nhất cả nước.

Chính phủ cũng đã xem xét và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng đề án TTTC quốc tế tại TP.HCM do một phó thủ tướng là trưởng ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo quốc gia sẽ đưa ra được nội dung, tiến độ và giải quyết từng trụ cột của TTTC quốc tế TP.HCM. Trụ cột thứ nhất là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, trụ cột thứ hai là thị trường vốn, trụ cột thứ ba là thị trường hàng hóa phái sinh.

Làn sóng thứ hai chính là nâng chất lượng dòng vốn FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ, lao động chất xám, lao động có tay nghề kỹ thuật cao. TP.HCM đã hình thành khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Từ đó, tạo bàn đạp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Làn sóng thứ ba, không khác hơn chính là việc triển khai TTTC quốc tế tại TP.HCM. Nếu như hai làn sóng trước giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì làn sóng này thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế để tạo dựng nguồn lực về vốn, giải quyết vấn đề thị trường tiền tệ, thị trường tài chính đem lại sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế. Đồng thời thu hút được những “sếu đầu đàn” kéo theo những nhà đầu tư nước ngoài khác cùng đầu tư tại Việt Nam.

“Mỗi làn sóng đều đem đến những bước ngoặt phát triển cho TP. Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xây dựng TTTC quốc tế sẽ là cơ sở để TP có sự chuyển đổi theo hướng thu hút nhiều tổ chức đầu tư, định chế tài chính quốc tế hội tụ. Qua đó, huy động được những ý tưởng, nguồn vốn toàn cầu để tăng năng lực phát triển về quy mô kinh tế, tạo sự thịnh vượng cho không chỉ Việt Nam mà toàn khu vực” - ông Hòa nhìn nhận.

Nền tảng vươn tầm TTTC quốc tế

Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, với sự khao khát, niềm tin cũng như quyết tâm của TP.HCM, cùng với sự ủng hộ của trung ương đã tạo thuận lợi tối đa để TP trở thành một TTTC tầm cỡ khu vực. Đây là những nền tảng quan trọng để TP vươn mình trở thành TTTC quốc tế.

Trong tầm nhìn dài hạn, theo ông Hải, việc hình thành TTTC quốc tế sẽ giúp tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực. Đầu tiên là sẽ mang đến lợi ích cho hệ thống tài chính, từ thu hút các định chế tài chính tiếng tăm trên thế giới cho đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Không chỉ vậy, đây là nơi dẫn vốn thặng dư thế giới cho nhu cầu của các tổ chức trong nước. Qua đó, giúp việc luân chuyển dòng vốn này hiệu quả hơn, kiến tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TTTC còn giúp tăng ngân sách thông qua thuế và phí dịch vụ. Thị trường vốn sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững. Từ đó sẽ cung cấp vốn trung và dài hạn ổn định cho doanh nghiệp, giúp giảm đi các gánh nặng cho tín dụng ngân hàng và chống được các cú sốc từ bên ngoài.

Ông Hải nhận định: Sự có mặt của các định chế lớn sẽ gia tăng sức ép buộc các công ty trong nước liên tục đổi mới, sáng tạo để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

“Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, việc xây dựng được TTTC quốc tế TP.HCM không chỉ mang lại nhiều danh tiếng cho Việt Nam, mà còn tăng tính hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn FDI” - ông Hải chia sẻ.

TP.HCM có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Ảnh: H.GIANG
TP.HCM có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.
Ảnh: H.GIANG

TP.HCM có vị trí địa lý rất thuận lợi

Tại một diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức vào năm 2022, bà Phan Thị Thắng, khi đó giữ chức phó chủ tịch UBND TP.HCM (hiện là thứ trưởng Bộ Công Thương), cho biết: TP.HCM có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, là trung tâm của các khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, TP có múi giờ khác biệt với 21 TTTC lớn nhất toàn cầu. Đi trước Singapore và Hong Kong 1 tiếng đồng hồ. Điều này cho phép TP.HCM tham gia chu trình khép kín các giao dịch tài sản toàn cầu suốt 24/24 giờ. Đây là lợi thế riêng và đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.

Bà Thắng cho biết TP.HCM là TP duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng với điểm số là 561 so với các TTTC quốc tế theo chỉ số TTTC toàn cầu. Đánh giá này do tổ chức xếp hạng của London công bố dựa trên khảo sát thu thập của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới.

“Vì vậy, việc xác định địa điểm là lựa chọn hàng đầu phù hợp nhất để định hướng phát triển biểu tượng TTTC quốc tế của Việt Nam vẫn tại TP.HCM” - bà Thắng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm