Gặp mặt nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nói 'khó đến đâu, tháo gỡ đến đó'

(PLO)- Vào lúc tăng trưởng kinh tế đối mặt nguy cơ suy giảm, một hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài được tổ chức hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22 - 4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Phát biểu khai mạc, từ đầu cầu Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua.

Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài.

Khó đến đâu, tháo gỡ đến đó

Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua, trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.

Những yếu tố quyết định này là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên- khi có những yếu tố này thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời và hiệu quả hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Chính phủ cho rằng lĩnh vực FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía.

Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc OECD có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia, khu vực.

Cách đây hơn nửa năm, vào tháng 9-2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI. Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và Chính phủ. Thủ tướng đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo NHNN có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ…

Thời gian của Hội nghị không nhiều, nội dung phong phú, yêu cầu cao, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu các vấn đề, đề xuất kiến nghị cụ thể với tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở, trách nhiệm trên nguyên tắc "khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"…

Người đứng đầu Chính phủ cho hay ngay sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành một văn bản phù hợp để thống nhất triển khai thực hiện. "Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam"- Thủ tướng chia sẻ.

Chuyển đổi năng lượng phải đến từ khu vực tư nhân

Tại hội nghị, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam có một số đề xuất đáng chú ý. Cụ thể, về vấn đề năng lượng, ông Nitin Kapoor cho rằng phần lớn đầu tư của quá trình chuyển đổi năng lượng phải đến từ khu vực tư nhân.

Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam. Ảnh: NHẬT BẮC

Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam. Ảnh: NHẬT BẮC

“Để đẩy nhanh hơn nữa cải cách quy định và chính sách, chúng tôi đề xuất phân công đại diện VBF cho các nhóm công tác chuyển đổi năng lượng hiện nay như Ban thư ký của Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Ủy ban soạn thảo chính sách liên quan”- ông Nitin Kapoor nói.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit cho biết mặc dù phải đối mặt với một số rào cản, Việt Nam đã được công nhận là một ‘ngôi sao đang lên’ trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, với tình hình kinh tế hiện nay, không có chỗ cho sự tự mãn. Việt Nam giờ đây cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.

Ông Gabor Fluit đánh giá các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược nói trên chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Theo ông Gabor Fluit, năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này. Tuy nhiên thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.

“Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, chúng ta cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII”- ông Gabor Fluit nói và cho rằng Việt Nam nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong KCN nên được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

“Chúng tôi đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU”- ông Gabor Fluit nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm