Luồng xanh cho năng lượng tái tạo, xử lý rác thải

(PLO)-  Chuyên gia cho rằng các lãnh đạo địa phương trong nhiệm kỳ của mình cần đưa ra những kế hoạch, cam kết phát triển kinh tế xanh như xử lý rác thải, giảm ô nhiễm môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ý kiến góp ý cần thành lập các liên minh doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh gắn với liên kết vùng tại Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 29-7, tại TP.HCM.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết phát triển kinh tế xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn quan trọng từ tín dụng, chứng khoán xanh.

Cam kết Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu v.v...

Tuy nhiên, thách thức hiện nay là tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam được gần 10 năm nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, tín dụng xanh chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ, phát hành trái phiếu xanh còn rất ít...

Triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc. Nguồn tài chính cho tín dụng xanh dựa nhiều vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, không dồi dào và đi kèm những điều kiện khắt khe. Trái phiếu xanh thì lượng phát hành ít, việc tuân thủ các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh cũng không được tốt, mới đạt 2/4 yêu cầu.

Đề xuất về giải pháp, TS Lực cho rằng cần cơ chế, phương thức định giá tác động môi trường, từ đó có chính sách hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm, dịch vụ xanh; thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh; Đầu tư CSHT xanh (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng....); Khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng...).

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với chiến lược phát triển chung kinh tế, xã hội. (Ảnh: QH)

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với chiến lược phát triển chung kinh tế, xã hội. (Ảnh: QH)

Bên cạnh đó, nhà nước cần ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn môi trường đối với ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể; chính sách thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..). Cùng với đó, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường v.v...

Theo TS Lực, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với chiến lược phát triển chung kinh tế, xã hội của các địa phương, các vùng như Đông Nam Bộ.

Các địa phương phải xây dựng và thực thi chương trình, kế hoạch tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong phạm vi, thẩm quyền. Địa phương có thể lựa chọn một số lĩnh vực, dự án ưu tiên cụ thể có lộ trình, giải pháp thực hiện rõ ràng, khả thi. Đồng thời áp dụng một số chính sách khuyến khích, và chế tài phù hợp.

“Tôi chưa thấy lãnh đạo địa phương nào đưa ra cam kết phát triển kinh tế xanh trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Tôi nghĩ các lãnh đạo địa phương có thể cam kết xử lý rác thải, vấn đề cấp - thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Đây là vấn đề rất thiết thực vì rác thải đang khiến nước nào cũng đau đầu” – TS Lực chia sẻ.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cũng cho rằng các tỉnh thành phải xây dựng được những đô thị xanh, liên kết các vùng kinh tế. Bên cạnh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thì quan trọng phải có chỉ số khả năng liên kết vùng như vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh phải hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau chứ không thể ai cũng “một mình một chợ”.

“Muốn liên kết vùng cần một cơ chế phát triển, thành lập hội đồng liên kết vùng để liên kết các cộng đồng DN, các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, dịch vụ và liên kết giữa các chính quyền địa phương. Muốn phát triển xanh, chuyển đổi số thì cần phải thành lập liên minh các DN phát triển xanh, DN chuyển đổi số” – TS Lộc nói.

Các chuyên gia góp ý cần các chính sách để phát triển kinh tế xanh tại hội thảo chiều 29-7. (Ảnh: QH)

Các chuyên gia góp ý cần các chính sách để phát triển kinh tế xanh tại hội thảo chiều 29-7. (Ảnh: QH)

Theo góp ý của TS Lộc, cần phải có luồng xanh cho các DN phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh.

Cụ thể như cơ quan quản lý cần thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài FDI theo hướng bảo vệ môi trường, thu hút các dự án FDI sạch.

Về dài hạn, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ trì xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi nhằm đảm bảo tính thống nhất và xuyên suốt với định hướng thu hút đầu tư trên quan điểm bảo vệ môi trường quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm