Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định 09/2016) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến vẫn giữ nguyên quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.
Gây nhiều khó khăn, tốn kém cho nhà kinh doanh
Sáu hội và hiệp hội ngành hàng thực phẩm gồm Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Hội Nước mắm truyền thống Phú Quốc, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho rằng quy định trên bất hợp lý, không phù hợp thực tế và gây nhiều khó khăn, tốn kém cho nhà kinh doanh
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết, từ thời điểm xây dựng quy định này hội đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi các bất cập nhưng không thành công, không được lắng nghe.
Theo bà Liên, các chuyên gia đã phân tích trong quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, nếu sử dụng muối I-ốt thì nước mắm sẽ bị mất màu đặc trưng và chuyển màu tối sậm. Hơn nữa, nước mắm Phú Quốc làm từ cá cơm thì bản thân cá cơm đã đầy đủ I-ốt vì vậy không cần bổ sung. Từ năm 2018 đến nay, hiệp Hội cũng đã có những kiểm nghiệm để đánh giá về vấn đề này.
Bên cạnh đó, nước mắm Phú Quốc đã được Châu Âu bảo hộ khi duy nhất chỉ có cá cơm và muối biển, mà là muối biển thiên nhiên.
Do đó, nếu bổ sung I-ốt vào nước mắm Phú Quốc là không thực hiện đúng quy trình ủ chượp, sản phẩm được bảo hộ không còn giữ nguyên chất lượng đã đăng ký bảo hộ.
Cũng theo bà Liên, tới thời điểm này là tám năm, các hiệp hội rất vất vả đại diện cho các DN thực phẩm Việt Nam kiến nghị và Chính phủ chỉ đạo sửa đổi theo hướng khuyến khích chứ không bắt buộc phải bổ sung I-ốt, tuy nhiên, những chỉ đạo của Chính phủ đến thời điểm này chưa được bộ ngành chuyên môn thực hiện, khiến chúng tôi rất buồn.
“Chúng tôi thiết tha kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt. Nước mắm truyền thống nói chung và nước mắm Phú Quốc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, nếu lần này bắt buộc DN bổ sung I-ốt vào nước mắm truyền thống, ngành nước mắm truyền thống có thể biến mất trên thị trường".
Nước mắm truyền thống vừa thua sân khách vừa 'chết" trên sân nhà?
Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam nêu một ví dụ về tiêu chuẩn không phù hợp đã làm mất thị trường xuất khẩu của nước mắm truyền thống, đó là tiêu chuẩn Codex về histamin (chất có liên quan mật thiết tới tình trạng sốc phản vệ, phản ứng viêm...) đối với nước mắm.
Chính vì quy định histamin này nên mặc dù thị trường có nhu cầu nhưng DN không thể xuất khẩu được nước mắm truyền thống ra nước ngoài.
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch cũng cho hay: Khi Codex thành lập Tổ viết tiêu chuẩn cho nước mắm (bộ tiêu chuẩn Codex về nước mắm do Uỷ ban Codex Việt Nam và Thái Lan đồng chủ trì biên soạn từ tháng 5-2006 đã được thông qua tại hội nghị Đại hội đồng Codex (CAC) lần thứ 34 vào 7-2011, PV), Việt Nam cử cán bộ kỹ thuật tham gia (nhưng không có DN) và Thái Lan là trưởng nhóm viết tiêu chuẩn nước mắm. Trong đó, đáng lưu ý Thái Lan là quốc gia sản xuất nước mắm công nghiệp.
Do đó, khi Codex ban hành tiêu chuẩn nước mắm, quy định hàm lượng histamin không lớn hơn 40mg/100mg thì đối với nước mắm công nghiệp không gặp trở ngại.
Nhưng nước mắm truyền thống của Việt Nam là nước mắm nguyên chất, không pha nước, hương liệu nhân tạo như nước mắm công nghiệp nên hàm lượng histamin thường ở mức 700mg- 1.200mg/lít.
Vấn đề là trong thực tế, trung bình mỗi người chỉ tiêu dùng khoảng khoảng 5ml nước mắm, hấp thu vào cơ thể khoảng 5mg histamin/ngày. Như vậy không thể xảy ra ngộ độc histamin do tiêu thụ nước mắm truyền thống.
“Để tác động nhằm sửa đổi tiêu chuẩn Codex, Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam đã gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị làm đề tài nghiên cứu khoa học thực tế với người tiêu dùng Việt Nam khi tiêu dùng nước mắm truyền thống có bị ngộ độc hay không…. nhưng không ai phản hồi. Trong khi hiệp hội chủ yếu DN nhỏ và vừa không đủ tiềm lực để triển khai nghiên cứu”- TS Minh nói.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam thông tin thêm, nước mắm truyền thống đã “chết” ở thị trường nước ngoài do quy định hàm lượng histamin. Nếu sắp tới dự thảo sửa đổi Nghị định 09 vẫn bắt buộc bổ sung I-ốt vào nước mắm truyền thống cũng khiến DN nước mắm truyền thống “chết” ngay sân nhà.
Theo bà Liên, để tháo gỡ vấn đề này không riêng hiệp hội làm được mà cần sự vào cuộc, phối hợp của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và sự cầu thị của Bộ Y tế. Qua đó, mới giúp nước mắm truyền thống Việt Nam phát triển và vươn ra thế giới.