Chủ tịch FPT: Trong thời khó khăn, cần phải bắt tay nhau không rời

(PLO)- Chủ tịch HĐQT của tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, đã có những chia sẻ về chiến lược thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động bất thường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-4, Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Tại đại hội, ban lãnh đạo FPT đã công bố chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2027, đặt trọng tâm vào việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Chủ tịch Trương Gia Bình nói gì về chiến lược ứng phó trong điều kiện ‘bất thường’?
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT phát biểu tại sự kiện - Ảnh: NGỌC DIỆP

Về phát triển nguồn nhân lực AI, FPT cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI và cung cấp kỹ năng, kiến thức AI cho 500.000 người lao động vào năm 2030.

Chiến lược "AI dẫn dắt" được triển khai đồng bộ thông qua các chương trình trọng điểm về: Sáng kiến AI; Hạ tầng và Dữ liệu; Nhân lực và Văn hóa.

Hai nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản dự kiến đi vào vận hành trong năm 2025 sẽ giúp nâng cao năng lực tính toán, phục vụ nghiên cứu và cung cấp dịch vụ AI. Ngoài chiến lược AI, FPT cũng đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực bán dẫn với mảng lắp ráp và kiểm thử (OSAT); nghiên cứu các dòng chip mới, bao gồm cả chip thông minh tích hợp AI; đồng thời hướng tới mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.

FPT dự kiến chi 11.000 tỷ đồng cho đầu tư trong năm 2025 ở nhiều lĩnh vực.

Đề cập đến thách thức từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, do tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, FPT đã trình cổ đông xem xét việc ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2025 nếu cần thiết, để phù hợp với diễn biến thực tế.

Theo Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, sự nổi lên của các mô hình AI hiệu quả cao với chi phí thấp (như DeepSeek) từ đầu năm 2025 là thời cơ để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực công nghệ.

Chủ tịch FPT nhấn mạnh về sự cần thiết của các chiến lược hợp tác mới trong bối cảnh hiện nay: “Doanh nghiệp nào cũng đang lo lắng về tương lai. Lúc bình thường, hợp tác dựa trên lợi ích, ký hợp đồng, và có thể chấm dứt nếu một bên tìm thấy lợi ích tốt hơn. Nhưng trong thời khó khăn, cần phải bắt tay nhau không rời”.

Trước căng thẳng địa chính trị và thương mại toàn cầu, FPT đang đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm cơ hội tại các khu vực mới, đồng thời khẳng định vị thế riêng để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường hay đối thủ cạnh tranh nào. Ông Bình cũng cho biết nhu cầu đối với dịch vụ công nghệ của FPT hiện rất lớn.

FPT cũng đang đẩy mạnh phát triển thị trường Trung Đông. Ông Trương Gia Bình nhận định khu vực này có đặc điểm ‘nhiều tiền và ít người’, tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực công nghệ. FPT đã đầu tư vào thị trường này khoảng 3 năm với số vốn hàng triệu USD. Ông Bình cũng lưu ý tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ, kể cả với các đối tác cấp cao, để thâm nhập hiệu quả thị trường này. FPT đang trong quá trình thiết lập các mối quan hệ đó, tạo nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.

Về phân phối lợi nhuận năm 2024, HĐQT FPT trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cổ phiếu). Đây là năm thứ bảy liên tiếp FPT duy trì mức cổ tức tiền mặt này. Công ty đã tạm ứng 10% trong năm 2024, phần còn lại (10%) dự kiến được thanh toán trong quý II/2025. Ngoài ra, FPT dự kiến phát hành hơn 222 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 15 cổ phiếu mới).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm