Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao về thị trường xuất khẩu nước mắm Việt Nam 2020-2021 cho thấy: Mỹ là thị trường tiêu thụ nước mắm truyền thống lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm 2021, doanh số xuất khẩu sang thị trường này ước tính đạt gần 6 triệu USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch và tăng trưởng 42% so với trước đó.
Đây là tín hiệu lạc quan đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
Nước mắm truyền thống Việt Nam xuất sang Mỹ, EU… chủ yếu phục vụ cho người gốc Việt, gốc Á. Ảnh: KIM NGÂN |
Mở ra cánh cửa mới cho nước mắm truyền thống
Năm 1998, Thanh Hà là một trong số 18 công ty được cấp phép xuất khẩu nước mắm vào châu Âu. Đến nay, sản phẩm của đơn vị này đã có mặt ở 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Úc… Đáng chú ý, công ty có quy mô sản xuất lên đến 2 triệu lít một năm, trong đó 60% sản lượng được xuất khẩu.
Bà Ong Kim Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà, cho biết từ hai năm qua công ty gặp không ít khó khăn do chi phí đầu vào phục vụ sản xuất như cá, muối, bao bì, cước vận tải hàng hóa đều tăng giá 15%-20%.
Không chỉ vậy, tình hình tiêu thụ tại thị trường nội địa kém khả quan do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song điều đáng mừng là thị trường xuất khẩu vẫn khởi sắc trong năm 2020, 2021 với mức tăng trưởng 15% mỗi năm. Đây là tín hiệu vui đối với công ty nói riêng và ngành nước mắm truyền thống nói chung.
Tương tự, với bề dày 45 năm sản xuất nước mắm truyền thống, mỗi năm Công ty cổ phần Thủy sản 584 cung cấp cho thị trường khoảng 8 triệu lít nước mắm. Đặc biệt sản phẩm của công ty còn bán sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc....
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 584, cho hay với chiến lược phát triển ổn định thị trường nội địa, đặc biệt là tăng cường mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính nên công ty tiếp tục mở rộng sản xuất. Đơn cử hồi đầu tháng 4-2022 vừa qua, công ty khánh thành Nhà máy Diên Phú tại Cà Ná - Phan Rí với tổng mức đầu tư trên 50 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1, nhà máy có thể cung cấp ra thị trường khoảng 20 triệu chai nước mắm thành phẩm một năm.
Đặc biệt, công ty đã hoàn thiện khép kín từ khâu sản xuất nước mắm nguyên liệu đến khâu đóng gói. Các sản phẩm của công ty đáp ứng được các tiêu chuẩn HACCP, FSSC… để xuất khẩu sang Mỹ, EU.
“Trước khi nhà máy khánh thành đã có nhiều đối tác nước ngoài đến tìm hiểu, trong đó có một Việt kiều Mỹ gốc Khánh Hòa đặt vấn đề sau khi đã đưa nhiều sản phẩm của quê hương sang Mỹ thành công. Bên cạnh đó, công ty đang xuất các lô hàng mẫu nước mắm xá sang Hàn Quốc để phục vụ nhu cầu làm kim chi, nếu thuận lợi mỗi tháng công ty dự kiến xuất khấu khoảng 22.000 lít” - ông Diệp chia sẻ.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Pacific Foods Lê Bá Linh cũng hồ hởi cho biết hai năm qua mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng sản lượng xuất khẩu thực phẩm, gia vị trong đó có nước mắm qua kênh thương mại điện tử Amazon tăng 30%. Đặc biệt, mới đây công ty xuất khẩu lô hàng 16 tấn gồm nước mắm truyền thống Bless Mami, Hảo Hạng, tương ớt Youmi… sang Mỹ.
Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm mà công ty tham gia sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh của Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài.
Thị trường nước mắm còn nhiều tiềm năng phát triển, không chỉ tại thị trường nội địa mà còn cần đẩy mạnh ra thị trường thế giới.
Đa phần phục vụ cho người gốc Việt và gốc Á
Nhiều công ty nước mắm cho biết hiện nay đang tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại Hàn Quốc, Mỹ, Philippines, Canada và một số nước EU. “Thực tế nếu các nhà sản xuất nước mắm đảm bảo chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý… thì người tiêu dùng sẽ mua” - đại diện một công ty sản xuất nước mắm nhấn mạnh.
Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cho biết có khoảng 320 công ty và cá nhân tham gia xuất khẩu nước mắm trong năm 2021, tăng hơn 30% so với năm trước đó. Đặc biệt có công ty đạt doanh thu xuất khẩu tăng hơn 700% so với năm trước đó.
Ông Huỳnh Quang Hiền, Phó Ban nghiên cứu BSA, đánh giá nước mắm xuất khẩu được ưa chuộng tại Mỹ và một số thị trường khác phần lớn là có hương vị truyền thống, có độ đạm cao nhưng không quá nặng mùi cá. Ngoài ra, một số sản phẩm nước mắm được sử dụng trong các món ăn châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
“Đa phần nước mắm xuất khẩu vẫn hướng đến những người tiêu dùng gốc Việt và gốc Á. Năm nay, tùy vào tình hình thương mại quốc tế dần phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19, chúng tôi kỳ vọng giá trị xuất khẩu nước mắm Việt Nam có thể tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước” - ông Hiền nói.
Tuy nhiên, đại diện BSA nêu thực tế hiện nay có đến 80%-90% công ty xuất khẩu nước mắm sử dụng hình thức vận chuyển bằng đường biển. Thế nhưng giá cước vận chuyển bằng đường biển tăng rất mạnh, cộng với tình trạng khan hiếm container là trở ngại lớn cho việc xuất khẩu nước mắm của Việt Nam. Do đó, thời gian tới các công ty xuất khẩu nước mắm có thể cân nhắc thay đổi hình thức vận chuyển nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của giá cước vận chuyển lên chuỗi cung ứng của mặt hàng này.•
Nhiều thị trường tăng nhập khẩu nước mắm Việt
Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN cho hay Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất với nước mắm truyền thống của Việt Nam khi doanh số ước tính đạt 5,9 triệu USD trong năm ngoái. Tiếp theo, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ nước mắm Việt Nam lớn thứ hai với doanh số hơn 4 triệu USD, chiếm 14,1% tổng kim ngạch. Phần lớn nước mắm được sử dụng tại nước này để làm phụ gia trong sản xuất các loại thực phẩm khác gồm cả thực phẩm chức năng.
Bên cạnh đó, doanh số xuất khẩu nước mắm vào Đài Loan cũng đạt gần 3,1 triệu USD, tăng 86% so với năm trước đó, chiếm khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường khác như Trung Quốc, Campuchia, Hà Lan… giá trị xuất khẩu nước mắm cũng tăng trưởng tốt 30%-40%.
Bộ NN&PTNT cho hay cả nước hiện có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất, kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm, với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm.
Ngành sản xuất nước mắm có tổng giá trị khoảng 6.000 tỉ đồng, với mức tăng trưởng hằng năm từ 13% trở lên. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu khi nguồn cá ven bờ ngày càng cạn kiệt.