Bất ngờ với dự thảo sửa đổi Nghị định 09 của Bộ Y tế

(PLO)-Doanh nghiệp kiến nghị chỉ khuyến khích bổ sung sắt kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-7, sáu hội và hiệp hội ngành hàng thực phẩm gồm: Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Hội sản xuất Nước mắm Thành phố Phú Quốc, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đồng tổ chức hội thảo “Góp ý về chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm”.

Gần tám năm qua bất cập vẫn chưa tháo gỡ

Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định 09) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến vẫn giữ nguyên phương án quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, đại diện sáu hiệp hội ngành hàng cho biết, tháng 1-2016 Chính phủ ban hành Nghị định 09 quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Tại thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn và có nhiều kiến nghị.

Suốt tám năm qua, cộng đồng DN đã có nhiều ý kiến về các bất cập của quy định trên không phù hợp với khoa học và quản lý rủi ro, không phù hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế.

Sau nhiều kiến nghị hợp lý này, DN rất vui mừng khi ngày 15-5-2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016 theo hướng bãi bỏ quy định trên. Thay vào đó chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng, không bắt buộc bổ sung.

Đặc biệt, tháng 3-2023 đến 1-2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09 theo chỉ đạo trong Nghị quyết 19. Đồng thời có công văn yêu trình Chính phủ trong quý III-2024.

Tuy nhiên, cộng đồng DN và các hiệp hội ngành thực phẩm đã rất bất ngờ và thất vọng với dự thảo sửa đổi Nghị định 09 của Bộ Y tế. Cụ thể là dự thảo hầu như giữ nguyên các quy định bất cập của Nghị định 09.

sắt kẽm vào bột mì

Doanh nghiệp bị cạnh tranh ngay trên sân nhà

Ông Phạm Trung Thành, Trưởng ban Đối ngoại Acecook Việt Nam cho biết, công ty luôn tuân thủ thực hiện đúng theo quy định kể từ khi Nghị định này được ban hành (từ năm 2016).

Tuy nhiên, công ty đã và vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Cụ thể, chi phí phát sinh trong việc tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng sử dụng cho sản xuất sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu… qua đó mất thêm 13,5 tỉ đồng/ năm.

Nhưng một vấn đề pháp lý mới đối với hàng xuất khẩu từ thực tế của Acecook Việt Nam.

Cụ thể, mì Hảo Hảo là nhãn hiệu chủ lực, chiếm thị phần số một tại thị trường nội địa và được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia, mang lại doanh thu xuất khẩu ở mức 40 triệu USD mỗi năm. Trong tầm nhìn dài hạn của công ty thì Nhật Bản là trong những thị trường xuất khẩu chiến lược nhưng tại Nhật Bản, I-ốt lại không thuộc danh sách những vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng dựa theo Luật An toàn Thực phẩm của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, sắt và kẽm cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Đặc biệt kẽm không được phép bổ sung trong các thực phẩm khác ngoài các sản phẩm thay thế sữa mẹ, thực phẩm được dùng để duy trì sức khỏe theo đúng chỉ định cụ thể của Nhật Bản.

Do đó, mì Hảo Hảo xuất đi Nhật Bản buộc phải sử dụng nguyên liệu không bổ sung các vi chất dinh dưỡng trên và phải tổ chức sản xuất riêng biệt với sản phẩm Hảo Hảo nội địa. Điều này khiến hiệu suất sản xuất Hảo Hảo xuất khẩu Nhật Bản không cao, tăng thêm nhiều chi phí.

“Tuy nhiên, sản phẩm Hảo Hảo dành cho thị trường nội địa đã bổ sung i-ốt, sắt kẽm lại bị xuất khẩu sang Nhật Bản rất nhiều. Một số công ty xuất khẩu đã cố tình trà trộn hàng nội địa vào container tàu biển, hoặc vận chuyển bằng đường hàng không. Hành vi này dẫn đến nguy cơ khiến cho hàng hóa của công ty vi phạm Luật An toàn Thực phẩm của Nhật Bản.

Theo điều tra thực tế của Acecook Nhật Bản, số tiệm bán lẻ bán thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản xấp xỉ 1.000 cửa tiệm. Nhưng nhiều tiệm sử dụng nhiều sản phẩm mì ăn liền nội địa nhập khẩu từ Việt Nam”- ông Thành nói.

Tương tự, ông Đặng Thành Tài, Phó Chủ tịch Hội sản xuất Nước mắm Phú Quốc cho biết, năm 2019 góp ý dự thảo lần ba Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối (Natri Clorua) tinh và quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với muối (Natri Clorua).

Trong dự thảo quy chuẩn, có các chỉ tiêu hóa lý yêu cầu đối với muối thực phẩm có “Iốt với ngưỡng giới hạn từ 20-40mg/kg” và các chỉ tiêu khác kèm theo.

Với quy chuẩn này, Hội nước mắm cũng nhận thấy không áp dụng được cho nước mắm Phú Quốc vì nó không phù hợp với quy trình sản xuất thực tế đã được Châu Âu bảo hộ chỉ có “Cá và Muối hạt” không dùng bất cứ chất nào khác. Ngay cả muối hạt cũng quy định cả vùng sản xuất. Quy trình này cho đến thời điểm hiện tại Hội viên vẫn tuân thủ sản xuất không có gì thay đổi.

“Vì vậy, Nghị định 09 quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm bổ sung I-ốt, chúng tôi cho rằng bản thân cá cơm đã có hàm lượng I-ốt tự nhiên.

Bên cạnh đó, nước mắm Phú Quốc có đặc thù là ủ chượp trong thùng gỗ. Quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống hoàn toàn tự nhiên và năm 2012 được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Với quy trình sản xuất nước mắm đã được bảo hộ ở Châu Âu từ rất lâu nên nước mắm Phú Quốc không thể bổ sung I-ốt theo Nghị định 09”- ông Tài khẳng định.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khi Nghị định 09 có hiệu lực DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Riêng đối với ngành nước mắm, nếu bổ sung I-ốt làm giảm sức cạnh tranh trên chính sân nhà của các DN do các nước láng giềng. Đơn cử như Thái Lan xuất khẩu nước mắm không bổ sung I-ốt sang với giá rẻ hơn.

Một số nước từ chối nhập khẩu như Nhật Bản, Úc … nếu nước mắm có sử dụng muối I-ốt….

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị quy định nên theo hướng khuyến khích

Theo sáu hiệp hội ngành hàng, việc bổ sung I-ốt thực phẩm công nghiệp không có hiệu quả do I-ốt hầu như mất hết trong quá trình chế biến.

Thực tế, các kết quả xét nghiệm đối với hủ tiếu, mì ăn liền của Công ty Acecook, chả giò thịt, thịt heo hầm của Công ty Vissan… đều không phát hiện được I-ốt trong sản phẩm cuối.

Theo tờ trình của Bộ Y tế “Nhiều quốc gia yêu cầu dùng muối ăn đã tăng cường I-ốt cho thực phẩm chế biến” và đính kèm phụ lục về danh sách các nước.

Các hiệp hội không có đủ thời gian kiểm tra những dữ liệu này, nhưng khi mới thử kiểm tra hai nước phát triển là Canada và Úc đã phát hiện Canada chỉ bắt buộc muối dùng cho nấu ăn ở hộ gia đình và muối trên bàn ăn phải bổ sung iốt. Không yêu cầu cho thực phẩm chế biến công nghiệp. Úc cũng không yêu cầu bổ sung.

Thực tế, phần lớn các nước chỉ bắt buộc bổ sung I-ốt cho muối ăn dùng trong nấu ăn hàng ngày và muối bổ sung trên bàn ăn.

Không bắt buộc bổ sung I-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp. Đơn cử như Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, các nước châu Âu, Mỹ và Úc.

Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, việc bổ sung i-ốt, sắt và kẽm vào thực phẩm là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng, không có gì bàn cãi.

Vấn đề là chọn giải pháp nào là hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của DN và quyền lựa chọn của người dùng.

Bộ Y tế nên ngồi xuống bàn bạc với các DN, kể cả việc khảo sát lại việc thiếu hụt vi chất. Từ đó, áp dụng giải pháp nào. Chẳng hạn, muối I-ốt có thể bổ sung vào nước mắm công nghiệp (chiếm 75% thị phần), nước tương, hoặc sữa học đường. Kẽm, sắt có thể bổ sung vào bột nêm…

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, cộng đồng DN thực phẩm và các Hiệp hội tiếp tục kiến nghị thực hiện chỉ đạo trong Nghị quyết 19.

Cụ thể là bổ sung bắt buộc I-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng ban hành) và gia vị mặn dạng rắn.

Không bắt buộc, mà chỉ khuyến khích bổ sung I-ốt cho muối dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp. Khuyến khích tăng cường sắt và kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm