Đà Nẵng ghi điểm trong lòng du khách

Chúng tôi sẽ trở lại Đà Nẵng” là phản hồi tích cực của nhiều du khách, độc giả sau bài viết “Giúp du khách gặp nạn: Nét đẹp cần nhân rộng” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 25-4. Không chỉ chính quyền, nét đẹp ấy đã lan tỏa đến người dân.

Giúp đỡ không ngại đêm khuya

Trước khi xách ba lô du lịch Đông Nam Á, tôi được nhiều bạn bè cảnh báo về tình trạng “chặt chém”, móc túi, cướp giật hay lừa đảo... Ban đầu cũng có chút hoang mang, lo lắng. Nhưng khi đến Đà Nẵng rồi Hội An, cảm giác đó không còn nữa. Cảnh đẹp và con người nơi đây rất thân thiện, cởi mở khiến tôi có cảm giác an toàn như ở nhà. Cách đây vài ngày, tôi cùng nhóm bạn thuê xe máy chạy lên đỉnh Bàn Cờ bán đảo Sơn Trà) ngắm cảnh. Trên đường trở về, không may xe bị hư, phải dắt bộ gần 2 km. Lúc này đã về khuya nên không có quán xá nào mở cửa. Chúng tôi quyết định ghé vào một căn nhà còn đỏ đèn nhờ giúp đỡ. Người đàn ông đứng tuổi tên Quân kiểm tra chiếc xe, rồi mang đồ nghề ra sửa giúp. Chỉ 15 phút sau, chiếc xe khởi động tốt. Ông Quân giải thích cho chúng tôi biết là xe bị lỏng bu-gi. Khi chúng tôi gửi tiền và cám ơn thì ông Quân từ chối, bảo là sửa giúp thôi. Họ thật là tuyệt, tôi sẽ còn trở lại Việt Nam.

Chị NICOLE ELIZABETH, du khách người Anh

Cả nhà nhắc nhau hỗ trợ du khách

Khi đi du lịch, sợ nhất là bị “chặt chém” hay gặp phải cướp giật, trộm cắp. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền hay công an thì du khách gần như bơ vơ giữa đất khách quê người. Năm 2014, tôi cùng nhóm bạn du lịch bụi đến Thái Lan và không may bị kẻ gian lấy mất chiếc ví gồm 2.500 bath (khoảng 1,7 triệu đồng) cùng một số giấy tờ. Bạn tôi dẫn vào đồn cảnh sát gần đó báo mất trộm. Sau gần hai giờ viết tờ khai rồi nhờ phiên dịch, sự việc vẫn bế tắc. Gần năm ngày trôi qua, khi chúng tôi rời Thái Lan, cảnh sát vẫn không có thông tin gì. Ở Đà Nẵng, công an nhận được tin báo của du khách là vào cuộc điều tra ngay, sớm trả lại tài sản cho khách. An ninh như thế, mọi người mới cảm thấy yên tâm tìm đến. Tôi và người thân trong gia đình cũng luôn nhắc nhau không phân biệt du khách quốc tế hay trong nước, thấy người ta hỏng xe, lạc đường hoặc cần liên hệ cơ quan chức năng… là hỗ trợ ngay.

Chị ĐỖ NGỌC ÁNH LY, Đà Nẵng

Trung úy Lê Viết Trịnh Thành, công an phường Thạch Thang, quận Hải Châu, bật nắp cống nhặt điện thoại giúp du khách. Ảnh: CTV

Hiệu ứng vượt mọi sự quảng cáo

Thời gian qua, TP Đà Nẵng thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ tốt nhất cho du khách khi đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. Liên quan đến các vụ mất cắp tài sản, bị trộm đột nhập hay sự cố trên đường đi của khách du lịch, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra rất nhanh. Điển hình như trường hợp du khách người Áo gặp sự cố bị lạc bạn vừa qua, lực lượng an ninh hàng không, y tế đã giúp đỡ nhiệt tình. Sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả và thân thiện đó tạo nên cảm giác an toàn cho du khách. Nó mang lại hiệu ứng tốt hơn cả những quảng cáo, PR thu hút du lịch rầm rộ. Mới đây có khách nước ngoài bị mất hộ chiếu, chúng tôi đã phối hợp với đội kiểm tra xuất nhập cảnh, an ninh sân bay để tìm lại cho khách. Ngoài ra, các trung tâm hỗ trợ du khách, điện thoại đường dây nóng... luôn sẵn sàng tiếp nhận phản ánh để giúp đỡ du khách mọi lúc mọi nơi. Coi du khách như người nhà thì du khách cũng sẽ coi nơi này là nhà.

Ông TRẦN CHÍ CƯỜNG, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng

Có Bộ quy tắc ứng xử bằng hình vẽ

Đà Nẵng không “nóng” chuyện cướp giật, trộm cắp như ở địa phương khác. Mọi người có thể đi dạo, ngắm biển mà không phải nơm nớp lo sợ bị giật dây chuyền, túi xách. Nhiều vị khách nước ngoài nói với tôi “con người ở đây cũng thật dễ mến”. Chính người dân đã giúp Đà Nẵng ghi điểm trong lòng du khách. Nhiều vị khách quốc tế cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền đối với du khách. Trong đó cái được nhất là việc TP đã triển khai Bộ quy tắc ứng xử cho du khách khi đến Đà Nẵng bằng hình ảnh hướng dẫn cụ thể (chứ không phải bằng văn bản rất khó nhớ). Các tấm biển vẽ ảnh minh họa, có chú thích bằng hai thứ tiếng Việt-Anh dễ hiểu, giúp du khách biết được những việc nên làm và không làm khi đến Đà Nẵng. Tuy vậy, TP này cũng còn những hạn chế, khu nội đô quản lý du lịch rất tốt nhưng tình trạng chèo kéo du khách, buôn bán không niêm yết giá... ở khu vực đỉnh đèo Hải Vân vẫn xảy ra, cần có sự kiểm tra rốt ráo.

Ông TRẦN TRÀ, Chủ nhiệm CLB hướng dẫn viên du lịch TP Đà Nẵng

Ngày 13-4, trong lúc cùng gia đình đi chơi tại chùa Linh Ứng, chị Nguyễn Thị Thông (ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) phát hiện một du khách nước ngoài bị ngã xe máy, đau đớn, ngồi bệt xuống đất. Là nhân viên y tế, chị Thông quan sát, đoán nạn nhân có thể bị gãy xương đùi, bèn vội tìm một tấm ván để cố định đoạn xương gãy rồi đưa khách lên taxi nhập viện cấp cứu. Theo các bác sĩ BV Hoàn Mỹ, bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi, nếu không được sơ cứu kịp thời thì thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn và dễ gây biến chứng.

Sau khi nạn nhân được phẫu thuật, chị Thông mới biết người bị nạn là bà Vidal N. (quốc tịch Pháp). Bà Vidal N. bày tỏ cảm kích trước sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Thông. Từ đó bà và chị Thông trở nên thân thiết như người nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm