Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ 1-7 tới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cụ thể là cán bộ, công viên chức. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần đặt mối tương quan về quản lý kinh tế kinh tế vĩ mô trong điều tiết giá cả hàng hóa để cho việc tăng lương có ý nghĩa.
Kiểm soát giá cả
Hiện nay, lương chưa tăng nhưng chi phí sinh hoạt, dịch vụ đã khá cao so với mặt bằng chung. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nếu để lương chưa tăng mà giá hàng hóa và dịch vụ đã tăng, thậm chí còn tăng cao đồng loạt thì chính sách tăng lương không mang lại nhiều hiệu quả cho nền kinh tế, cho người lao động.
Mới đây, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2024 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,7%.
Cụ thể hơn, nhà trọ, căn hộ cho thuê đều tăng giá cho thuê. Tiền học phí, vé máy bay đều tăng cao. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt, cá… cũng tăng giá.
Do đó, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, nhà nước cần có các giải pháp để kiềm chế giá cả hàng hóa không để “té nước theo lương”.
“Đặc biệt cơ quan chức năng phải quản lý chặt hàng hóa nào có nguy cơ tăng giá trong thời gian gần vào thời điểm tăng lương. Giám sát giá cả là nhiệm vụ chủ yếu của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý giá. Đồng thời đây cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi trực tiếp quản lý hàng hóa đến với người dân ngay trên địa bàn của mình. Cần sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để giữ ổn định mặt bằng giá cả hàng hóa”- ông Thịnh chia sẻ.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, lương cơ sở tăng góp phần nâng cao chất lượng công vụ, ổn định cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, mỗi lần tăng lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng, thì một số doanh nghiệp, thương nhân lại lợi dụng đẩy giá cả hàng hóa tăng lên.
Đồng quan điểm với chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, TS Huỳnh Thanh Điền có nhận định, để hạn chế tình trạng giá cả hàng hóa tăng theo lương thì các cơ quan nhà nước tăng cường quản lý thị trường về các mặt hàng thiết yếu. Quản lý giá cả những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội mà quản lý được mặt bằng giá sẽ kéo theo các địa phương khác ổn định.
Chế tài nghiêm kết hợp giảm mạnh thuế VAT
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo đó, không để tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Theo ông Thịnh, cần đẩy mạnh triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá công khai, thông tin về giá. Tổ chức thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngoài việc chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về giá thì theo Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, cần chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tác động lên giá cả hàng hóa. Dù từ 1-7, lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng nhưng Dự thảo Nghị định về giảm thuế VAT dự kiến áp dụng 6 tháng cuối năm cũng chưa được ban hành.
Theo TS Nhân, giảm thuế VAT giảm chỉ 2% nhưng tác động rất lớn đến nền kinh tế, vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, vừa ổn định giá cả, ổn định chi tiêu cho người dân. Tuy nhiên, mức giảm 2% vẫn quá thấp, để ổn định giá cả hàng hóa nhất là thời điểm nửa cuối năm rất dễ biến động.
TS Nhân cũng kiến nghị nên giảm 5% thuế VAT vì giảm thuế VAT mới tác động mạnh sẽ giúp chi phí giá thành hàng hoá xuống thấp, thúc đẩy mua bán, giúp tăng doanh số. Có thể giảm mạnh cho ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Còn những ngành lợi nhuận tốt thì giảm ít hơn, thậm chí giảm cho bất động sản để góp phần giảm giá nhà, tăng nguồn cung nhà ở cho người dân.
“Để giữ giá không tăng theo lương, để chính sách tăng lương cơ sở mang lại lợi ích cho người dân thì cần quản lý giá cả, giảm thuế VAT, đồng thời giảm lãi suất hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp”- TS Nhân nói.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý, điều hành giá
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61 nêu rõ thời gian tới, áp lực từ chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng; việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.
Để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, không để bị động trong mọi tình huống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư: Giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá. Đề xuất cụ thể lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, điện, giáo dục... Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá theo quy định pháp luật.
Đề xuất tăng lương hưu từ 1-7
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Chính phủ ban hành nghị định tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Căn cứ của việc điều chỉnh này là Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quy định từ ngày 1- 7 tới đây, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.