Bộ Tài chính nói về thuế thu nhập tăng theo lương

(PLO)- Theo vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCMvà một số cơ quan báo chí phản ánh nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia về thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nhiều ý kiến cho rằng lương cơ sở vừa tăng trong khi các quy định về thuế TNCN chưa được sửa đổi khiến thuế TNCN cũng tăng theo, ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của người làm công ăn lương.

Về vấn đề trên, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính).

Mức giảm trừ gia cảnh cần được nghiên cứu

. Phóng viên: Thưa vụ trưởng, có nhiều ý kiến phàn nàn trên Pháp Luật TP.HCM rằng thuế TNCN của họ cũng tăng khi lương cơ sở tăng.

+ Ông Nguyễn Quốc Hưng: Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố tháng 6-2022 thì thu nhập bình quân của Việt Nam năm 2021 (theo giá hiện hành) là 4,2 triệu đồng/tháng/người. Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) thu nhập bình quân là 9,184 triệu đồng/tháng/người.

Nếu tính mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế hiện nay gấp 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người trong khi các nước áp dụng chỉ 50%-100% mức thu nhập bình quân. Tỉ lệ này cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế khẳng định Luật Thuế TNCN sẽ được sửa đổi theo đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Ảnh: Q.HUY

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế khẳng định Luật Thuế TNCN sẽ được sửa đổi theo đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. nh: Q.HUY

Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc cũng tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người theo kết quả khảo sát nêu trên và cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay. Có thể thấy mức giảm trừ gia cảnh nêu trên là phù hợp với mức thu nhập của đại đa số người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Với mức giảm trừ cho người nộp thuế TNCN và người phụ thuộc như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Theo vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, trong thời gian chờ đợi sửa đổi Luật Thuế TNCN thì các chính sách hiện hành vẫn bảo đảm. Đồng thời sẽ có những điều chỉnh khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động nhằm bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế.

. Tức là thuế TNCN còn được trừ đi rất nhiều khoản khác, thưa ông?

+ Ngoài mức giảm trừ cá nhân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, theo quy định của Luật TNCN hiện hành, khi thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc; các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… thì số thu nhập còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật Thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.

Thuế TNCN điều tiết thu nhập của cá nhân

. Nhưng thực tiễn hiện nay thì ngay cả những người có mức thu nhập phải đóng thuế TNCN cũng có vẻ chật vật, khó khăn. Và người ta cho rằng cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh…

+ Từ năm 2009 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đã được điều chỉnh nhiều lần. Lần gần đây nhất là tháng 6-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ra nghị quyết nâng mức giảm trừ với cá nhân nộp thuế TNCN và người phụ thuộc tương ứng là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng (52,8 triệu đồng/năm).

Theo mức này thì cá nhân phải có mức thu nhập từ trên 204 triệu đồng/năm (nếu có một người phụ thuộc) mới phải tính thuế TNCN đối với phần thu nhập cao hơn 204 triệu đồng, chưa kể còn giảm trừ các khoản đóng góp khác như tôi nói ở trên.

Cũng cần phải khẳng định rằng: Thuế TNCN điều tiết thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội.

Thay đổi cho phù hợp thực tiễn

. Thực ra tôi cũng đồng ý rằng có lẽ đã đến lúc cần phải xem xét lại cả nội dung lẫn mức thuế TNCN. Ý kiến của ông về vấn đề này?

+ Thực tiễn thì luôn luôn biến đổi và luật pháp về thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng cũng cần thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính cũng xuất phát từ thực tiễn luôn tiến hành rà soát, thu nhập kinh nghiệm quốc tế và từ điều kiện, tình hình thực tế chính sách thuế TNCN hiện nay để nghiên cứu việc sửa đổi các quy định về thuế TNCN.

Chúng ta cũng biết rằng: Thuế TNCN là một trong những nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN). Ở các quốc gia khác, tỉ lệ thuế TNCN vào NSNN là khá cao, trong khi ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 8% sau thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và tiêu thụ đặc biệt.

Xu hướng mục tiêu của các chính sách mới về thuế, đặc biệt là với thuế TNCN bên cạnh bảo đảm nguồn thu NSNN thì còn tái phân phối thu nhập, giảm các hành vi trốn, tránh thuế để đảm bảo công bằng xã hội.

Mục tiêu chính sách mới về thuế TNCN sẽ tập trung vào các vấn đề như ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần và mức độ giãn cách giữa các mức thuế; chính sách ưu đãi đối với nhân lực trình độ cao…

Về nguyên tắc, đã là thuế TNCN thì bất kể một phát sinh thu nhập nào cũng phải chịu thuế. Chúng ta có thể phải tính toán tới việc thiết kế lại các mức thuế suất lũy tiến để bảo đảm rằng hệ thống thuế TNCN nói riêng và hệ thống thuế nói chung sẽ minh bạch hóa được thu nhập trong toàn xã hội để phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội chung.

. Xin cảm ơn ông.

Dự án Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật vào kỳ họp tháng 5-2025. Ảnh: Q.HUY

Dự án Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật vào kỳ họp tháng 5-2025. Ảnh: Q.HUY

Xây dựng hệ thống thuế phải đồng bộ

.Nhiều ý kiến đề nghị rằng chúng ta có thể rút ngắn thời gian trình và thông qua luật thuế TNCN, thưa ông?

+ Thực hiện các chủ trương của Đảng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát tổng thể các Luật về thuế và đã báo cáo Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiến hành nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, đồng bộ tất cả các Luật về thuế; bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc đổi mới cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước cũng như Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Mục tiêu về cải cách, xây dựng hệ thống thuế được xác định là phải đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN. Đồng thời, phù hợp thông lệ quốc tế, khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Cạnh đó, đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về thể chế liên quan đến chính sách thuế với cải cách thể chế quản lý thuế theo hướng thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Riêng đối với Luật thuế TNCN, ngày 16-3-2023 Chính phủ đã gửi Báo cáo số 71/BC-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong đó, Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật thuế TNCN và lộ trình xây dựng Luật thuế TNCN (sửa đổi) đã được thiết kế theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, dự án Luật thuế TNCN (sửa đổi) sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng Luật vào kỳ họp tháng 5-2025, trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào tháng 10-2025 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2026.

Trong thời gian chờ đợi, sửa đổi Luật thuế TNCN thì các chính sách hiện hành vẫn bảo đảm sẽ có những điều chỉnh khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động nhằm bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế.

Bởi Luật thuế TNCN hiện hành vẫn quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Ông NGUYỄN QUỐC HƯNG, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế
(Bộ Tài chính)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm