Chặn hàng hóa tăng giá theo lương

(PLO)- Chuyên gia đánh giá dù hàng hóa thiết yếu có tăng giá nhẹ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, người tiêu dùng không nên quá lo lắng, tránh lạm phát kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh hàng hóa tồn kho nhiều, sức mua còn thấp, chính sách lương tăng được xem là giải pháp kích cầu thị trường, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng mỗi lần tăng lương là giá cả hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo.

Nhiều người dân lo lắng sau mỗi lần tăng lương cơ sở là giá cả hàng hóa sẽ tăng. Ảnh: T.UYÊN

Nhiều người dân lo lắng sau mỗi lần tăng lương cơ sở là giá cả hàng hóa sẽ tăng.
Ảnh: T.UYÊN

Nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ

Chị Hoàng Hà (quận Gò Vấp) cho biết: “Hiện nay, nhiều hàng hóa ở chợ đã rục rịch tăng rồi. Tôi sợ rằng lương tăng 1 đồng thì hàng hóa tăng 2 đồng và như vậy thì người tiêu dùng còn gặp khó khăn hơn nữa. Hiện hàng hóa chưa tăng cao nhưng cũng không loại trừ nhiều người bán “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng lương để tăng giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu. Tôi mong rằng Nhà nước cần có biện pháp kiểm tra và để ngăn chặn tình trạng này” .

Khảo sát của PV tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, nhiều tiểu thương cho biết tình hình mua bán ế ẩm nhưng khi nhập hàng có một số mặt hàng đã tăng giá.

Bà Hà (tiểu thương chợ Tân Định) thông tin hiện nay nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ. Điển hình mì gói tăng giá từ 105.000 đồng/thùng lên 115.000-118.000 đồng/thùng. Thời gian qua giá đường cát tăng cao kéo theo đường phèn vàng cũng tăng thêm 10.000 đồng/kg.

Theo Vụ Thống kê, giá cả hàng hóa sẽ không tăng đột biến do nhu cầu tiêu dùng không quá cao, nguồn cung được bảo đảm tốt…

Lý giải giá đường cát tăng cao, theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lâu nay do ảnh hưởng của đường cát nhập lậu nên giá đường nội địa thấp. Vừa rồi có giai đoạn kiểm soát chặt chẽ nên lượng đường nhập lậu được ngăn chặn.

Nắm bắt tình hình này, có hiện tượng một số nhà buôn “làm giá” đẩy giá đường cát tăng. “Riêng đường từ các nhà máy vẫn bán ổn định giá” - ông Lộc chia sẻ.

74%

người tiêu dùng nhận thấy vật giá đang tăng lên. Ngày 4-7, theo báo cáo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me “Người Việt Nam ứng phó như thế nào khi vật giá leo thang”, có 74% người tiêu dùng nhận thấy vật giá đang tăng lên, trong đó 27% người dân cho rằng giá cả đang tăng lên rất nhanh.

Lương tăng là biện pháp kích cầu

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Nước giải khát Bidico, nhận định khi lương cơ sở của cán bộ, công chức tăng sẽ tạo ra thị trường tiêu thụ nhiều hơn, giúp kích hoạt tiêu dùng của toàn xã hội mạnh hơn.

Bên cạnh đó, việc giảm 2% VAT hàng hóa rẻ hơn, giúp người dân chi tiêu nhiều, từ đó các DN sản xuất cung ứng dịch vụ tốt hơn. Hai yếu tố trên đều tác động tốt lên thị trường nói chung.

Tuy nhiên, có một điều luôn song hành là khi lương cơ sở tăng tạo ra tâm lý chung giá hàng hóa sẽ tăng, đặc biệt hàng thiết yếu sẽ tăng trước. Tâm lý này tương tự như vào dịp tết giá hàng hóa sẽ tăng. Mức tăng giá thế nào còn tùy vào tình hình thị trường.

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng người dân lo lắng mỗi lần công bố tăng lương giá hàng hóa tăng là đúng.

Tuy nhiên, việc giá hàng hóa tăng ở đây là do tâm lý. Chẳng hạn, vì cho rằng tăng lương sẽ có hiện tượng “tát nước theo mưa” nên nhiều người tranh thủ mua sắm. Cuối cùng giá tăng thật và đây là lạm phát kỳ vọng, rất nguy hiểm.

Tăng lương cơ sở cũng sẽ khiến giá hàng hóa tăng nhưng trong tầm kiểm soát. Đây cũng là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ đã chuẩn bị tốt như kiểm soát một số mặt hàng thiết yếu; quản lý các ngành hàng là đầu vào của các ngành sản xuất như điện, nước…

Cạnh đó, hiện nay nền kinh tế đang bị đứt quãng do lượng hàng sản xuất quá nhiều, thị trường các nước giảm tiêu dùng nên DN giảm sản xuất, sa thải lao động. Người dân không có việc làm, không có thu nhập nên tiết kiệm chi tiêu, tồn kho hàng hóa nhiều.

“Tăng lương thời điểm này rất hợp lý, là biện pháp kích cầu để người dân có thể tăng chi tiêu. Từ đó giúp DN giải phóng tồn kho, cơ hội cho DN có thêm đơn hàng để sản xuất, người lao động có việc làm, có thu nhập ổn định để họ tiếp tục chi tiêu, nhịp kinh tế sẽ được bắt đầu lại” - TS Điền nói.

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê quý II và sáu tháng cuối năm 2023 của Tổng cục Thống kê, vụ trưởng Vụ Thống kê đánh giá các đợt tăng lương cơ sở trước đây đều khiến giá hàng hóa tăng theo, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên, giá sẽ không tăng đột biến do nhu cầu tiêu dùng không quá cao, nguồn cung được bảo đảm tốt… Các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, dịch vụ thiết yếu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.•

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chú ý vấn đề kiểm soát giá hàng hóa. Ảnh: T.UYÊN

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chú ý vấn đề kiểm soát giá hàng hóa. Ảnh: T.UYÊN

Tránh đầu cơ, tăng giá bất hợp lý

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, Thủ tướng yêu cầu phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống của nhân dân, lưu ý vấn đề tăng lương và kiểm soát giá hàng hóa…

Liên quan đến việc điều hành kiểm soát giá khi lương cơ sở tăng, tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá cho biết Bộ Tài chính đã thường xuyên họp để đưa ra các kịch bản điều hành và đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá. Cạnh đó, đưa ra các kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm