CPI 6 tháng tăng cao do tác động của giá thực phẩm và giá điện

(PLO)- Giá thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-6, Tổng cục Thống kê (GSO) công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II năm 2023. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,27% so với tháng trước. 6 tháng CPI bình quân tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân được GSO cho là do giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng. Kèm theo đó, thời tiết nắng nóng vừa qua khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Tốc độ tăng giảm CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2019-2023 (%). Nguồn: GSO

Tốc độ tăng giảm CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2019-2023 (%).

Nguồn: GSO

Theo báo cáo, so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 0,57%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 1,82%; nhà khách, khách sạn tăng 0,24% do nhu cầu đi du lịch trong dịp hè tăng cao.

Ngoài ra, các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,23% do giá điện thoại cố định và di động giảm.

CPI tháng 6 tăng cao do tác động của giá điện và giá thực phẩm. Ảnh: PLO

CPI tháng 6 tăng cao do tác động của giá điện và giá thực phẩm. Ảnh: PLO

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, GSO kiến nghị một số giải pháp. Đó là các cơ quan ban ngành nên theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Đối với mặt hàng xăng dầu, GSO cho rằng cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước để thay thế nguồn nhập khẩu.

Nhà quản lý quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Cuối cùng, theo GSO, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm