Ngày 28-2, Tổng Cục thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 2 tăng do giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau tết.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng tính CPI, có năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, sáu nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Chỉ số giá nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 2,11% vì giá xăng, dầu tăng 5,66% do ảnh hưởng các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 13 và 21-2.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,58%. Trong đó, giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 32,92%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 6,63% do nhu cầu đi lại trong tháng tết tăng cao.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao thứ hai với 1,81% do giá gas, giá điện sinh hoạt, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá thuê nhà tăng.
Tháng 2, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17%, trong đó giá thực phẩm giảm 0,49% như giá thịt heo, thịt gia cầm, trứng... |
Trong sáu nhóm hàng có chỉ số giá giảm, nhóm giáo dục giảm mạnh nhất với 0,57%, trong đó nhóm dịch vụ giáo dục giảm 0,66%. Nguyên nhân là do Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165 yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023.
Đáng chú ý, tháng 2 chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17%, trong đó giá thực phẩm giảm 0,49% như giá thịt heo, thịt gia cầm, trứng...
Tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,12% do quy luật tiêu dùng giảm sau tết Nguyên đán nên giá rượu bia giảm 0,22% so với tháng trước. Riêng giá nước quả ép và nước tăng lực tăng lần lượt 0,47% và 0,34% do nhu cầu tiêu dùng cao khi người dân đi du xuân và lễ hội đầu năm mới.
Theo Tổng Cục thống kê, bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%.