Tháng 1: Giá thịt quay, chả giò, nước mắm...tăng

(PLO)- Theo Sở Tài chính TP.HCM, giá lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và tết Nguyên đán 2023 đảm bảo tiêu chí thấp hơn giá thị trường 5%-10%. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Sở Tài Chính TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,38% so tháng trước.

Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,31% do giá bắp tăng 3,39%, gạo tăng 1,81%; nhóm lương thực chế biến tăng 0,62-2,82% do giá nguyên vật liệu và nhu cầu tăng.

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,69% chủ yếu chịu tác động giá các mặt hàng như thịt chế biến tăng 0,52% do giá thịt quay, chả giò điều chỉnh tăng vì nhu cầu tăng cao và chi phí sản xuất tăng.

Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,82% do những ngày gần tết nhu cầu tăng mạnh và nhà cung cấp điều chỉnh giá bán cho năm mới.

Người dân mua thịt heo trong ngày 28 tết. ẢNH: TÚ UYÊN

Người dân mua thịt heo trong ngày 28 tết. ẢNH: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, giá thịt gia cầm, thủy sản tươi sống, thủy sản chế biến tăng lần lượt 1, 78%, 2,28%, 2,32%.

Đối với thịt gia cầm, tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ từ 7,8-9,9 tấn/ngày, giảm 3% so tháng trước, sức mua tăng so tháng trước. Giá bán lẻ các mặt hàng gia cầm tăng 2.000- 3.000đồng/kg so tháng trước.

Giá bán lẻ trứng gia cầm có xu hướng tăng vì nhu cầu làm món thịt kho trứng ngày Tết nhiều nhưng nguồn hàng dồi dào nên giá trứng chỉ tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng/chục. Theo đó, trứng gà loại 1 từ 35.000-37.000 đồng/chục; trứng vịt loại 1 từ 40.000-42.000 đồng/chục.

Đối với thịt heo, trong tháng báo cáo giá heo hơi ổn định 54.500-58.500 đồng/kg. Giá bán lẻ đa số tăng từ 0,79%-1,73% so tháng trước.

Lượng thủy hải sản tươi về chợ Bình Điền bình quân 848-1.257 tấn/ngày, tăng 28% so tháng trước. Giá bán lẻ tăng 5.000-18.000 đồng/kg so tháng trước, tập trung tăng giá ở các mặt hàng như tôm đồng, mực tươi cá thu, cua biển…

Trong khi đó, rau, củ, quả, trái cây về các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức tăng đến 143% so tháng trước.

Giá bán lẻ bình quân tháng báo cáo các mặt hàng rau, củ quả, trái cây đa số tăng, giảm 1,27-11% so tháng trước.

Cũng theo Sở Tài Chính TP.HCM, giá lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và tết Nguyên đán 2023 đảm bảo tiêu chí “thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng ít nhất từ 5% đến 10%.

Cụ thể, giá gạo thấp hơn giá thị trường 9,6%; dầu ăn thấp hơn 812%; thịt gia cầm thấp hơn 12%-17%, trứng gia cầm thấp hơn 10%....

Sức mua sắm tết tại siêu thị tăng 30%, chợ giảm 40%

Kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trước, trong và sau tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố tại các siêu thị, cửa hàng cho thấy các đơn vị có niêm yết giá, hàng hóa dồi dào đủ cung cấp cho người dân dịp tết.

Siêu thị, các cửa hàng có khuyến mãi, giảm giá hàng hóa thiết yếu. Sức mua tăng 20% - 30% so với năm trước.

Tương tự, tại chợ truyền thống, tiểu thương có niêm yết giá. Lượng hàng dồi dào, sức mua tăng so với ngày thường nhưng giảm 20% - 40% so với cùng kỳ năm trước.

Kiểm tra tại các khu vui chơi, giải trí, Đoàn kiểm tra ghi nhận tại Công viên nước Đầm Sen, giá vé vào cổng dịp tết tăng 20.000 đồng/vé so với ngày thường và cùng kỳ với năm 2022.

Riêng giá vé dịch vụ ăn uống không tăng so với ngày thường và cùng kỳ năm 2022.

Khu du lịch Suối Tiên, giá vé vào cổng phục vụ tết Nguyên đán thấp hơn giá vé vào cổng ngày thường. Một số trò chơi (25/90 trò chơi) có giá vé cao hơn từ 20%- 30% so với ngày thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm