Tuy nhiên, niềm vui của người lao động có thêm thu nhập đang đi kèm với nỗi lo giá cả hàng hóa lợi dụng việc này để tăng theo. Niềm tin này là có cơ sở vì câu chuyện này gần như lặp đi lặp lại mỗi khi có quyết định tăng lương, thậm chí lương tăng 1 đồng nhưng giá cả đã tăng 2 đồng. Điều này làm tiêu tan những mục tiêu tốt đẹp về hỗ trợ cuộc sống cho người lao động.
Trước đó, trước sức ép lạm phát, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng bởi cầu thế giới suy yếu, Chính phủ đã thực thi hàng loạt giải pháp giúp người dân khỏi giảm thu nhập và doanh nghiệp (DN) có dư địa sản xuất hàng hóa với giá thành hợp lý, đủ khả năng cạnh tranh với hàng ngoại.Đó là giảm thuế, phí trên giá xăng dầu, giảm lãi suất và đặc biệt gần đây là giảm VAT 2% cũng như các chương trình khuyến mãi hàng hóa phong phú do các hệ thống phân phối nhà nước dẫn dắt. Nhờ đó không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, Nhà nước đã kiểm soát rất tốt lạm phát vì một khi lạm phát gia tăng sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân và hoạt động kinh doanh của DN.
Thế nhưng thực tế hiện nay, một số mặt hàng đã tăng giá trên thị trường ngay khi tiền lương cơ sở chính thức tăng. Điều này tạo phản ứng dây chuyền lên nhiều loại hàng hóa khác.
Nếu nhìn các giải pháp Chính phủ đang thực thi, chi phí các nguyên vật liệu làm đầu vào cũng đang có xu hướng giảm mạnh thì không có lý do để các đơn vị bán hàng “té nước theo mưa” tăng giá cả hàng hóa vô tội vạ.
Chặn đứng hành vi tăng giá phản cảm cần phải được nhanh chóng thiết lập. Vì kinh tế đang dần phục hồi, sức cầu trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại, nếu không chặn hành vi này sẽ gây sức ép khiến hàng hóa tăng mạnh hơn nữa, thậm chí phá tan công sức của Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát mà đang được thực hiện rất tốt.
Lúc này, các cơ quan quản lý thị trường phải kiểm tra gắt gao việc tăng giá bất hợp lý; kiểm tra các tình trạng đầu cơ, găm hàng để đẩy giá. Cạnh đó, hệ thống phân phối phải đảm bảo cung ứng hàng hóa dồi dào, công khai giá cả để cân đối cung cầu sẽ chặn đứng giá cả tăng bất hợplý. Các DN quốc doanh phải làm gương trong việc duy trì hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tính toán hợp lý thời điểm tăng giá điện, nước, xăng dầu…
Những hành động kiểm soát giá cả lúc này chính là yếu tố chia sẻ những sức ép chi phí với người dân, DN và quan trọng không thua kém với chuyện tăng lương.