Cân bằng Mỹ - Trung: Bài toán khó cho tân Thủ tướng Nhật Suga

Theo Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI), quyết định từ chức bất ngờ của cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi tháng 8 vì lý do sức khỏe đã để ngỏ nhiều câu hỏi xoay quanh di sản của ông. 

Một trong số đó là liệu thủ tướng kế nhiệm, ông Yoshihide Suga, sẽ tiếp tục duy trì thế cân bằng địa chính trị giữa Nhật với Mỹ và với Trung Quốc bằng cách nào trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang một cách nguy hiểm.

“Chiếc bóng” của ông Shinzo Abe

Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và sự thịnh vượng của Nhật. Mỹ là nước bảo đảm an ninh và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật, trong khi nước láng giềng “sát vách” Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ nhất. Từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 12-2012, ông Abe đã khéo léo trong cân bằng mối quan hệ giữa Nhật với Mỹ và với Trung Quốc.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và thủ tướng kế nhiệm Yoshihide Suga. Ảnh: TRTWORLD

Cựu Thủ tướng Abe đã cố gắng kết thân với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay cả khi ông Trump tuyên bố rằng thương mại Mỹ - Nhật là "không công bằng và cởi mở", hay hồi năm 2019 đã yêu cầu Nhật thanh toán gấp bốn lần tiền cho sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ tại nước này. Ông Abe còn làm “hài lòng” chính quyền ông Trump khi năm 2018 đã cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của Nhật.

Đồng thời, ông Abe cũng vun đắp mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thực hiện chuyến thăm “phá băng ngoại giao” tới Bắc Kinh hồi tháng 10-2018. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Abe trên cương vị Thủ tướng Nhật kể từ năm 2011. 

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang “rơi tự do”, ông Tập đã chìa “cành ô liu” và lên kế hoạch cho chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật dự kiến diễn ra hồi tháng 4, nhưng đã bị hoãn vô thời hạn vì đại dịch COVID-19. Nếu chuyến đi diễn ra như kế hoạch thì đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Nhật kể từ năm 2008. 

Rõ ràng tân Thủ tướng Suga sẽ khó tránh khỏi việc phải đứng về phía nào trong cuộc xung đột Mỹ - Trung. Trước mắt, ông sẽ phải đưa ra quyết định liên quan chuyến thăm cấp nhà nước đang bị hoãn của ông Tập. Chuyến thăm này đang bị phản đối từ chính đảng Dân chủ Tự do của ông Suga liên quan các động thái gần đây của Trung Quốc, trong đó có luật an ninh Hong Kong. 

Một chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật được phát trên sóng truyền hình sẽ là chiến thắng to lớn đối với ông Tập nhằm chứng minh rằng nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc của chính quyền ông Trump đang thất bại.

Áp lực của Trung Quốc trong việc dời lại chuyến thăm sẽ đặt ông Suga vào thế khó. Việc làm theo mong muốn của Trung Quốc sẽ khiến ông có thể mất vốn liếng chính trị ở quê nhà, nhưng việc hủy bỏ chuyến thăm cũng sẽ khiến ông Tập bẽ mặt và ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Điều duy nhất mà tân thủ tướng Nhật có thể làm là tìm mọi lý do có thể để tiếp tục hoãn chuyến thăm này càng lâu càng tốt.

Bài toán khó phía trước

Trong mọi trường hợp, căng thẳng liên quan hội nghị thượng đỉnh Trung -Nhật (phần lớn mang tính biểu tượng) sẽ “mờ nhạt” hơn so với tác động có thể xảy ra với Nhật xuất phát từ hai tranh chấp Mỹ - Trung trong những năm tới sau đây:

Thứ nhất, Mỹ sẽ kêu gọi Nhật thắt chặt các hạn chế đối với các công nghệ quan trọng mà nước này cung cấp cho Trung Quốc. 

Với khoản đầu tư trực tiếp hơn 38 tỉ USD vào Trung Quốc và gần 14.000 công ty Nhật đang hoạt động tại đây, Nhật sẽ thực sự thiệt hại về kinh tế và tổn hại về mặt ngoại giao khi tuân thủ đầy đủ bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ đối với Trung Quốc.

Không ai biết làm thế nào ông Suga, người từng là cánh tay phải đắc lực của ông Abe trong tám năm qua, có thể làm hài lòng Mỹ về vấn đề công nghệ mà không khiến Trung Quốc tức giận, hoặc ngược lại. 

(Từ trái qua): Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: JACQUES WITT / AFP/GETTY IMAGES

Thứ hai, vấn đề an ninh cũng sẽ là một khó khăn sắp tới đối với ông Suga. Là thành viên của "Bộ tứ kim cương” (QUAD - nhóm an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Nhật, Ấn Độ, Mỹ và Úc), Nhật sẽ phải xử lý trước những lời kêu gọi từ Mỹ tham gia các cuộc tập trận hải quân chung thường xuyên hơn với quy mô lớn hơn nhằm thách thức các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Chẳng hạn, một tàu sân bay Nhật năm 2019 đã tham gia cuộc tập trận hải quân do Mỹ dẫn đầu trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã không phản ứng mạnh trước sự tham gia của Nhật do quan hệ song phương đang được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc có thể sẽ tấn công Nhật nếu mối quan hệ do ông Abe khởi xướng gặp khó khăn và chính quyền của ông Suga bắt đầu hợp tác với Mỹ một cách công khai và mạnh mẽ hơn trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoài ra, một điều có thể phá hủy hoàn toàn quan hệ Trung - Nhật trong tương lai là việc triển khai các tên lửa tầm trung của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ đang mong muốn bố trí các vũ khí tấn công hạng nặng gần đại lục hơn, và Nhật là một địa điểm lý tưởng.

Tên lửa của Mỹ vẫn đang trong quá trình phát triển, do đó hiện tại Mỹ chưa yêu cầu Nhật hợp tác. Nhưng khi đã sản xuất đủ số lượng, việc Mỹ tác động để Nhật cho phép triển khai tên lửa là khó tránh khỏi. Nếu Nhật đồng ý, quan hệ của Nhật - Trung có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1972.

Những khó khăn trên một lần nữa phản ánh hoàn cảnh của Nhật, một đất nước bị chèn ép giữa hai gã khổng lồ địa chính trị đang đối đầu nhau và gánh nặng ngoại giao mà tân Thủ tướng Nhật Suga phải đối mặt trong tương lai.

Mục tiêu của ông Suga là gì khi thay ông Abe?
(PL)- Hôm 14-9, hãng tin Reuters cho biết Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga đã giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, rộng đường tiến tới vị trí thủ tướng kế nhiệm ông Shinzo Abe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm