Những cán bộ lặng thầm trong cuộc chiến chống dịch - Bài cuối

Cán bộ mất vì COVID-19: Khi nằm viện vẫn còn lo cho dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn bốn tháng từ khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, nhiều cán bộ cơ sở tại TP.HCM nhiễm bệnh nhưng họ đã kiên cường chống chọi, vượt qua rồi quay lại cuộc chiến như chỉ vừa trải qua một trận cảm. Thế nhưng, một số người đã không vượt qua được và mãi mãi nằm lại.

Lớn tuổi, bệnh nền nhưng “mình không làm thì ai làm”

Một chiều giữa tháng 9, tôi đến nhà một tổ trưởng tổ dân phố ở quận Tân Phú, khi vừa tròn 50 ngày mất của bà. Đó là bà Nguyễn Thị Cúc (65 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 56, khu phố 3, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

Những hình ảnh về người tổ trưởng tổ dân phố ngày thường từng cầm chổi ra đường lớn quét rác, móc cống và năng nổ trong công tác chống dịch vẫn in đậm trong trí nhớ của người ở lại.

Chị Đặng Thị Tuyết Hạnh (phải), con gái bà Nguyễn Thị Cúc (nguyên tổ trưởng tổ dân phố 56, khu phố 3, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), đang xem lại những hình ảnh của má mình lúc còn sống với niềm tự hào. Ảnh: LÊ THOA

Sau khi bà Cúc ra đi, căn nhà bà ở trong lúc công tác ở phường Phú Thọ Hòa gần như ngày nào cũng đóng kín cửa. Người thân lập bàn thờ cho bà tại nhà của con gái lớn ở phường Tân Quý, quận Tân Phú.

Nhìn bàn thờ, em gái út bà Cúc òa khóc: “Hồi chỉ (chị ấy) còn khỏe, tui bảo chỉ về đây ở thì chỉ nói còn công việc ở tổ. Lúc có dịch tui cũng kêu chỉ nghỉ vì tuổi cũng lớn, lại có bệnh nền nhưng chỉ không chịu, nói “Tao không làm thì bỏ cho ai làm””.

Theo người nhà, bà Cúc nhiễm bệnh giữa tháng 7, thời điểm đó dù chưa được tiêm vaccine nhưng bà Cúc không ngại đi lại để hỗ trợ người dân khó khăn. Đến khi về thăm con gái, thấy điểm test COVID-19 nên bà ra test mới biết dương tính.

Chị Đặng Thị Tuyết Hạnh (con gái bà Cúc, cán bộ UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) xúc động nói: “Lúc má vào bệnh viện, nhiều công tác còn dang dở nên đã gọi về nhờ con rể đang làm cảnh sát khu vực tiếp nhận nhằm chu toàn nhất có thể cho bà con khó khăn”.

Xem lại những tấm ảnh thời trẻ má chụp chung với gia đình, chị Hạnh bảo khi má mắc bệnh thì con cái không ở bên cạnh để chăm sóc, cũng không được gặp má lần cuối nhưng chắc hẳn má chị sẽ luôn mỉm cười vì đã hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình.

Chị Hạnh cho biết tấm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã giúp gia đình chị cảm thấy tự hào và được động viên, an ủi phần nào. Đây cũng là ghi nhận sự cống hiến trong 1/3 quãng đời của má, là động lực để ba người con đang công tác ở cơ sở tiếp tục thay má cống hiến vì dân.

18

cá nhân ở TP.HCM có nhiều thành tích và đóng góp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen. Họ, có người là dân thường, có người từng tham gia công tác hội, đoàn tại địa phương, là chiến sĩ dân quân, các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố… Và họ đã không may bị nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác rồi qua đời.

Người lớn tuổi làm tổ trưởng trong thời bình cũng là vất vả

Thời điểm đó, những người làm công tác chống dịch ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú cũng đón nhận nỗi đau khi mất đi một tổ trưởng tổ dân phố khác. Đó là ông Võ Văn Huệ, nguyên tổ trưởng tổ dân phố 44, khu phố 2. Năm nay ông cũng đã ngót nghét 70 tuổi.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, trưởng khu phố 2, cho biết hoàn cảnh gia đình tổ trưởng tổ 44 rất khó khăn, căn hộ nơi ông ở là được thuê mướn nhưng vừa qua thuộc diện phải trả lại để di dời. Tuy nhiên, ông Huệ xin ở lại thêm một thời gian, sau đó thì vướng bệnh rồi qua đời. “Hồi đó, ông ấy đợi bệnh viện kêu đến tiêm vaccine nhưng chưa đợi được thì ông ấy nhiễm bệnh rồi ra đi…” - ông Đức nói.

Nhớ lại cách đây chừng 7-8 năm, ông Huệ được khu phố vận động làm tổ trưởng tổ 44. “Ông Huệ tuổi đã cao rồi, để ông ấy làm tổ trưởng trong điều kiện bình thường cũng đã là vất vả, huống gì lúc dịch bệnh căng thẳng. Nhưng ông Huệ bảo ông không làm thì ai làm” - ông Đức xúc động.

Nhiều người cho biết thời điểm chung cư nơi ông Huệ sinh sống có nhiều ca nhiễm bệnh nhưng ông cũng không ngại qua lại hỗ trợ, chăm lo cho người dân, ai khó khăn gì thì ông liên hệ khắp nơi để tìm cách giúp. Rồi một chiều giữa tháng 7, khi chung cư làm test nhanh thì ông Huệ dương tính. Dù được đưa đi bệnh viện nhưng do nhiều bệnh nền nên ông đã không thể gượng thêm.

Trong căn hộ chưa tới 40 m2 ở đường Vườn Lài, những tấm hồ sơ, sổ sách trong quá trình công tác ở tổ dân phố được ông Huệ cất giữ kỹ càng trong chiếc tủ nhỏ, nhiều nét mực vẫn còn mới nguyên nhưng chủ nhân thì đã không còn.

Hai vị tổ trưởng hết lòng vì công việc

Bà Nguyễn Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, nhìn nhận trong thời gian vừa qua, dịch bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, hoạt động của người dân. Bà Nguyễn Thị Cúc và ông Võ Văn Huệ dù lớn tuổi nhưng với vai trò tổ trưởng tổ dân phố đã không quản khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ do phường, khu phố triển khai để giúp người dân.

“Giai đoạn đó các tổ trưởng phải đi ra ngoài liên tục để rà soát danh sách người lao động tự do mất việc nhằm chi hỗ trợ; tiếp cận hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa, cách ly; chăm lo lương thực, thực phẩm cho những người khó khăn…” - bà Phương kể.

Đối với sự ra đi của hai người tổ trưởng hiền lành, bà Phương xúc động: “Khi cô chú ra đi thì đó là nỗi đau, mất mát của gia đình không gì có thể bù đắp được. Chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi bởi vì công việc của phường mà cô chú nhiễm bệnh...”.

Quen biết bà Cúc, ông Huệ nhiều năm, tình cảm mà phó chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa dành cho họ không chỉ đơn giản là công việc giữa cấp phường với tổ dân phố mà còn là tình cảm như những người thân.

Bà Phương nhìn nhận dù cô chú mất đi nhưng đã để lại cho phường nhiều kỷ niệm đẹp về người tổ trưởng gương mẫu, hết lòng vì công việc, không quản ngày đêm hay khó khăn, nguy hiểm, đồng hành với phường, khu phố chăm lo cho người dân.


SỔ TAY
Khi cán bộ cơ sở xông vào cuộc chiến

TP.HCM những ngày giãn cách nghiêm ngặt, “ai ở đâu thì ở đó”, cùng với đội quân áo trắng, chiến sĩ áo xanh thì hàng vạn cán bộ cơ sở, tình nguyện viên đã xông vào cuộc chiến.

Những ngày này, đặt chân đến trụ sở UBND phường, xã trên địa bàn TP, nhiều người chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên. Bởi nơi này không còn vẻ ngoài đạo mạo của một cơ quan hành chính nhà nước vốn có, càng không có cảnh người dân tấp nập ra vào làm thủ tục, hồ sơ. Cán bộ, công chức cũng không xiêm y, đóng thùng, cắp hồ sơ bận rộn với nhiều cuộc họp.

Thay vào đó, nhiều trụ sở hành chính của các phường, quận trở thành điểm tập kết rau củ, gạo, mắm, muối… Rồi hình ảnh những cán bộ, thậm chí lãnh đạo phường ngồi bệt giữa nền nhà để bóc rau, xếp củ với chiếc áo thun tối màu, quần lửng, dép lê, mắt vừa nhìn vào máy tính coi tin nhắn liên tục từ người dân vừa ăn hộp cơm đã trở nên quen thuộc.

Có xuống cơ sở mới thấy các cán bộ - từ những tay ngang đã trở thành chiến sĩ chống dịch thực thụ. Trong số rất nhiều người đang hăng hái làm việc đó, có không ít người vừa khỏi bệnh và thực hiện xong quy trình cách ly cần thiết.

Chúng tôi chứng kiến bà Phạm Thị Phương Thu, tổ trưởng tổ 217, khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, dù gần 60 tuổi nhưng vẫn xách xe máy chạy tới chạy lui cả ngày để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Có khi vừa đi mua trái cây về thì có người nhắn nhờ mua thịt, mua sữa… bà lại vội vã chạy đi mua rồi về mới lấy tiền.

Hay như ông Nguyễn Văn Cường, trưởng ấp 6A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, khi biết mình trở thành F0, điều đầu tiên không phải ông lo cho bản thân mà lo không biết có anh em đồng nghiệp nào bị lây từ mình không, công việc của ấp phải tính sao đây? Rồi ông bảo mình còn may mắn vì khỏi bệnh để được tiếp tục làm việc, bởi có những người đã không được may mắn như thế. Vì vậy, ông phải thay họ để làm những gì họ mong muốn mà chưa kịp làm.

Và rồi, khi cuộc chiến chống dịch đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, đã có những cán bộ cơ sở nằm xuống sau những ngày chống chọi với COVID-19 như bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên tổ trưởng tổ dân phố 56, khu phố 3, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

Những giọt nước mắt vẫn không ngừng rơi khi mọi người nhắc đến bà Cúc. Bởi khi có người khuyên bà nên nghỉ ngơi vì tuổi cao, bệnh nền thì bà bảo mình không làm thì ai làm. Dù đang chiến đấu trong bệnh viện nhưng bà  không quên gửi gắm những việc còn dang dở cho người ở lại.

Và trên khắp TP của chúng ta, đã và đang có rất nhiều tổ trưởng, tổ phó không màng tuổi tác, bệnh tật, đem hết sức mình phục vụ người dân giữa cơn đại dịch. Chẳng phải vì tiền bạc, lương bổng mà chỉ đơn giản là vì họ muốn làm, cần làm để cùng thành phố chống chọi với đại dịch này. LÊ THOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm