Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021” thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nội dung chủ nuôi phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã; địa nắm danh sách, hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc-xin Dại triệt để trên đàn chó.
Tại sao Chính phủ phải gia tăng quản lý đối với một chuyện có vẻ như chỉ là chuyện rất nhỏ trong nhà dân? Bạn đọc của Pháp luật TP.HCM cũng có nhiều ý kiến trái ngược trước quy định này.
Bắt nhốt chó trong nhà là sai
Bạn đọc Tuấn phản đối quy định buộc người dân cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Theo bạn “dùng cách đó là sai, dân Việt ta nuôi có giữ nhà, đuổi chuột, bảo vệ gia chủ, nhốt trong nhà thì còn tác dụng gì, chỉ nên áp dụng cho chung cư thôi”.
“Cái gì cũng phải khai báo phiền phức thế. Tới nuôi con chó mà cũng phải lên phường nhập hộ khẩu hay sao”, là ý kiến của độc giả Vinh Quang. Bạn Quang còn cho rằng điều này sẽ đẻ thêm nhiều thủ tục nhiêu khê, phiền hà cho dân trong khi hằng ngày lo đi làm, nhà cửa đã không đủ thời gian.
Nhiều gia đình nuôi chó như thú cưng trong nhà
Đồng tình, bạn Thanh Trang cũng thấy việc đăng ký một lần không khó nhưng nếu có trường hợp cho, tặng, xin thêm hay con chó sinh ra một đàn con thì lại phải tới lui lên phường nhiều chuyến. Bạn nói: “Tui được tặng một con chó, chủ chó tiêm ngừa đầy đủ, rõ ràng. Theo quy định này tui phải đem nó ra phường đăng ký hả? Xong lỡ tui có cho ai thì tui ra phường báo nữa sao?”.
Hầu như bạn đọc phản đối chủ yếu vì “sợ” bị hành vì những thủ tục hành chính của cấp quản lý còn việc tiêm chủng ngừa bệnh dại sao cho đúng, đủ gần như không được nhắc tới.
Nhiều cái lợi về sau
Ngược lại với các ý kiến trên, nhiều bạn đọc chỉ ra cái lợi trong quy định quản lý chặt thú nuôi. “Phường phải nắm số lượng để đảm bảo tiêm ngừa dại đầy đủ. Còn có hỗ trợ thuốc men, quy định việc bồi thường nếu xảy ra sự cố… thì quá tốt rồi”, độc giả Minh Trí nêu ý kiến.
“Chính phủ làm rất đúng. Hàng xóm tôi nuôi chó cứ thả rông ra có người là chạy theo cắn. Tôi là một nạn nhân đó nhưng không biết kêu cứu ai”, bạn đọc Thao nói. Bạn cho rằng quy trách nhiệm cho người nuôi sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn, không thả rông vật nuôi, dẫn đến mất an toàn cho con người, mất vệ sinh môi trường sống.
“Phiền phức một chút nhưng an toàn cho người khác và cho chính mình” là nhận định của bạn Quang Vinh.
Có những hộ dân nuôi chó để kinh doanh. Ảnh: Báo Tây Ninh
Tuy nhiên, để đảm bảo việc khai báo được thực hiện đầy đủ, đồng bộ, các cấp quản lý nên nghiên cứu cách làm sao cho dễ dàng với người dân, tránh để dân thấy “hành là chính”.
“Nhà tôi cách UBND phường 3 km, xa không xa gần không gần, số vật nuôi lại hay biến động nên nếu khai báo ở tổ dân phố được thì tốt”, anh Văn Hưng đề xuất.
Nhiều bạn đọc đề xuất hình thức khai báo phải nhanh gọn thì người ta mới “chịu khó” thực hiện. Ví dụ báo qua tin nhắn, gửi biểu mẫu đến nhà dân, khai báo kết hợp trong dịp điều tra dân số của phường…
Bắt buộc phải có chế tài
Vấn đề này đã nói từ lâu nhưng hầu như không có địa phương nào thực hiện được. Cho đến nay việc nuôi chó, mèo trong dân chúng vẫn bị buông lỏng, không có sự quản lý, tiêm chủng càng tùy tiện hơn.
Nhằm xóa sổ bệnh dại khỏi cộng đồng, biện pháp của Chính phủ áp dụng là đúng đắn và cần thiết. “Phải có chế tài mới mong thực hiện nghiêm. Tuy nhiên không thể trảm vội vã mà phải trên cơ sở sau khi đã đặt ra trình tự nhanh, gọn, dễ dàng cho dân thực hiện đúng”, độc giả Thu Minh góp ý.
Khai báo dễ dàng người dân sẽ tuân thủ
“Nếu việc khai báo đơn giản, không mất thời gian mà đổi lại cái lợi an toàn, thú nuôi được nhắc nhở tiêm chủng đầy đủ thì dân sẽ theo”, là nhận định của bạn đọc Cẩm Tú.
Như vậy có thể thấy đa số người dân ủng hộ chủ trương nhưng cái cần bàn là biện pháp thực hiện cho phù hợp. Nếu có thể đưa ra cách làm đơn giản, tiện lợi thì việc đưa quy định trên vào đời sống sẽ nằm trong tầm tay.