Cần giáo dục đạo đức cho học sinh từ nhỏ

TS Nguyễn Thị Hà Lan - Phó trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Hồng Đức cho biết để giáo dục Việt Nam phát triển, trước hết phải giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh…

Theo TS Nguyễn Thị Hà Lan, trong khi trẻ em Việt Nam thụ động, không biết ứng phó trong những hoàn cảnh nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm... thì từ bậc mầm non, trẻ em Nhật đã được giáo dục tính tự giác và tự lập. Trẻ em Nhật đã được rèn luyện tinh thần bình tĩnh, lạc quan, biết cười nhiều hơn, biết cảm ơn khi nhận sự giúp đỡ, biết xin lỗi khi sai sót, biết chào hỏi và mỉm cười với những người xung quanh… Điều này giúp các tầng lớp nhất là giới trẻ Nhật ứng xử rất văn hóa, không có hiện tượng xô xát, nói tục nơi công cộng.

TS Nguyễn Thị Hà Lan dẫn chứng: “Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ và ấn tượng với cậu bé chín tuổi người Nhật trong trận động đất ở Nhật Bản vào tháng 3-2011. Mặc dù đói, rét và tột cùng của sự buồn đau khi cha mẹ và em trai bị nước biển cuốn trôi nhưng cậu bé vẫn kiên trì xếp hàng chờ đến lượt nhận khẩu phần ăn do các tổ chức từ thiện phân phát. Để có được như vậy, hẳn Nhật Bản rất quan tâm giáo dục đạo đức, văn hóa cho thế hệ trẻ, đặc biệt là tính kỷ luật và sự chia sẻ, hy sinh. Chính vì vậy, Nhật Bản đã đào tạo được một đội ngũ lao động có chất lượng cao”.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình muốn tạo ra nguồn nhân lực cao, trước hết phải quan tâm giáo dục đạo đức nhân cách lẫn kỹ năng sống cho học sinh. Những năm gần đây, ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế thị trường khiến một bộ phận học sinh, sinh viên suy thoái đạo đức, lối sống. Trong khi đó, nhà trường dành nhiều thời gian cho hoạt động dạy học, truyền đạt kiến thức hơn dạy học sinh làm người; còn gia đình thì phó mặc cho nhà trường trong việc giáo dục và dạy dỗ con cái.

PGS-TS Nguyễn Văn Tận, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), nhận định việc đào tạo nguồn nhân lực con người Nhật Bản được hình thành từ thời Minh Trị. Đây là thời đại đánh dấu mốc quan trọng cho sự đổi mới giáo dục của Nhật Bản với việc chú trọng đào tạo con người. Sau này, nhờ chính sách trọng dụng nhân tài, cùng tinh thần dân tộc mà “chảy máu chất xám” ít diễn ra đối với những người đi học nước ngoài. Theo ông Tận, Việt Nam cần điều chỉnh chương trình giáo dục theo hướng ứng dụng thực tiễn nhiều hơn lý thuyết; khi học hỏi bên ngoài cần chủ động hơn là tiếp nhận ồ ạt, thiếu mục đích; quan trọng nhất là giáo dục không chỉ về mặt tri thức mà cần đề cao nhân cách đạo đức như tính tự giác, chăm chỉ hơn là lao động đối phó, thiếu sáng tạo, thiếu đóng góp…

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm