Cần lập ủy ban quốc gia về an toàn thực phẩm

Phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không thể tù mù như hiện nay... Các đại biểu nhấn mạnh khi thảo luận ở hội trường dự án Luật An toàn thực phẩm ngày 26-11.

Sống chết mặc bay, tiền tao bỏ túi...

Các đại biểu đều cho rằng tình trạng mất an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, gây lo ngại cho từng người. Hiện kinh doanh thực phẩm theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền tao bỏ túi”...

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Bình Thuận) lo lắng: Thực phẩm như thịt, mỡ, sữa nhiễm bẩn không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng cả đến việc duy trì nòi giống. Trong khi đó, thời gian qua các cơ quan trung ương đã ban hành đến hàng trăm văn bản về quản lý an toàn thực phẩm nhưng việc mất an toàn thực phẩm vẫn cứ gia tăng.

Người tiêu dùng không thể biết được chất lượng sữa, bơ bên trong những chiếc bánh hấp dẫn này có quá đát không. Ảnh minh họa: HTD

Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) nhẩm đếm: Thống kê cả cấp trung ương và địa phương, trong thời gian qua chúng ta đã có đến hơn 1.200 văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm nhưng hiệu quả không cao.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nói: Dù người tiêu dùng có thông thái đến mấy cũng không thể chọn lựa được thực phẩm an toàn. Với nhà sản xuất, nếu chỉ kêu gọi đạo đức mà thiếu chế tài, quy định cũng khó mà ngăn chặn được tiêu cực trong kinh doanh. “Điều quan trọng là nhà nước phải xác nhận được vai trò trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân” - ông Xuân nói.

Chính vì quá nhiều văn bản, công tác quản lý lại yếu kém nên nhiều đại biểu không đồng tình với phần quản lý nhà nước trong dự án nêu quá chung chung, không khác mấy với pháp lệnh hiện hành. “Chúng ta phải thấy rằng tại sao đã có số lượng văn bản quản lý đồ sộ như thế mà an toàn thực phẩm vẫn cứ báo động. Nếu dự thảo luật vẫn quy định trách nhiệm chung chung thì khó mà đạt được hiệu quả như mong muốn” - đại biểu Lương Phan Cừ (Dăk Nông) nói.

Lập ủy ban an toàn thực phẩm

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Bộ Y tế có quá nhiều việc, quá bận vì phải phòng dịch, khám bệnh, nếu giao thêm trách nhiệm là nhạc trưởng trong quản lý an toàn thực phẩm thì cũng khó mà chăm lo tốt. Do đó, nên thành lập ủy ban quốc gia về quản lý an toàn thực phẩm. “Ở Anh người ta cũng thành lập ủy ban này và hiệu quả rất cao. Hằng tháng ủy ban tổ chức họp báo, có truyền hình cho người dân tham gia và đặt câu hỏi với cơ quan chức năng về quản lý thực phẩm” - ông Thuyết nói.

Ông Xuân cho rằng ủy ban an toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ sẽ bao trùm lên tất cả bộ, ngành khác. “Luật này ra đời phải để cho người dân biết mâm cơm của mình được đơn vị nào đảm bảo an toàn. Trong trường hợp xảy ra ngộ độc thì có thể báo cho ai, quy được trách nhiệm cho ai. Chứ như theo pháp lệnh và dự thảo luật hiện nay thì chẳng quy được trách nhiệm cho ai cả” - ông Xuân nói.

Ủng hộ phần quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như trong dự luật nhưng đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương trong việc quản lý sản xuất, quản lý chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, phải có một bộ chịu trách nhiệm chính và tránh được tình trạng một cơ sở sản xuất có nhiều bộ đến thanh tra, kiểm tra gây phiền hà, tốn kém.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thì kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vì hiện nay mức xử phạt quá thấp, không có tác dụng răn đe...

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới