SEA Games 29 - Kuala Lumpur 2017

Cán mốc 58 HCV, đoàn Việt Nam vào tốp 3

Trong ngày thi đấu cuối, lực sĩ Hoàng Tấn Tài (hạng 85 kg) đã đem về chiếc HCĐ thứ 60 cho đoàn Việt Nam. Với thành tích tổng cử 322 kg, Tấn Tài xếp sau nhà vô địch Pornchai Lobsi (Thái Lan) có thành tích 337 kg, phá sâu kỷ lục SEA Games (kỷ lục cũ 328 kg).

Môn pencak silat, Việt Nam có đến chín VĐV vào đấu chung kết các hạng cân nhưng chỉ đoạt có 3 HCV. Không chỉ đoàn Việt Nam, nhiều đoàn thể thao khác đã bị xử ép ở môn đấu chấm điểm theo cảm tính này.

Trong ba ngày tranh tài cuối, đoàn Thái Lan (72 HCV, 86 HCB, 88 HCĐ) có sự vươn lên mạnh mẽ chiếm ngôi thứ nhì, đẩy Việt Nam và Singapore xuống hạng ba và hạng tư bảng tổng sắp.

Đoạt tổng cộng 58 HCV, 50 HCB, 60 HCĐ, Việt Nam hơn Singapore đúng 1 chiếc HCV, giành hạng ba chung cuộc. Trong khi đó, chủ nhà Malaysia giành số lượng huy chương “khủng” với 145 HCV, 92 HCB, 86 HCĐ dẫn đầu bảng tổng sắp.

Ánh Viên với 8 HCV tạo nên kỳ tích lớn của thể thao Việt Nam, trong đó có những nội dung có thể cạnh tranh ở Asiad 2018. Ảnh: HUY PHẠM

Đinh Phương Thành cùng các đồng đội tạo nên những bước nhảy tiến bộ, góp phần vào thành tích tốp 3 của đoàn Việt Nam. Ảnh: HUY PHẠM

Đánh giá về thành công chung của đoàn Việt Nam tại SEA Games 29, trưởng đoàn Trần Đức Phấn phấn khích trước kỳ tích 17 HCV của điền kinh, 10 HCV bơi lội (riêng kình ngư Ánh Viên giành 8 HCV). Tuy nhiên, để điền kinh Việt Nam tiếp cận đấu trường châu lục, cụ thể là Asiad 2018 tại Indonesia, chỉ hai nội dung của tiếp sức nữ 4 x 100 m và 4 x 400 m là đạt tầm.

Tương tự môn bơi lội, các thành tích của kình ngư Ánh Viên 200 m và 400 m hỗn hợp được đánh giá nhiều khả năng cạnh tranh ở sân chơi Asiad. Tại đấu trường châu Á, kình ngư người Cần Thơ hiện đang là đương kim lẫn kỷ lục gia 400 m hỗn hợp nữ. Thế nên tại Asiad 2018 năm sau, các VĐV nữ vẫn tiếp tục là mũi nhọn của thể thao Việt Nam. Nói về kỳ SEA Games 2019 tại Philippines, ông Phấn cũng nhấn mạnh quốc gia này sẽ hướng đến một sân chơi Đông Nam Á lành mạnh và phát triển bằng việc sẽ tổ chức các môn thi thuộc Olympic. Và đấy cũng là tiền đề mà ông Phấn sẽ tham mưu cho Việt Nam khi đăng cai SEA Games 31 năm 2021.

Cũng cần biết đây là điều nhiều đoàn thể thao cùng hướng đến vì mục tiêu phát triển vượt ra khỏi ao làng. Tuy nhiên, cùng nghĩ cùng lên tiếng như thế nhưng cứ đến quốc gia nào đăng cai thì quốc gia đó lại vấp phải căn bệnh thành tích cùng danh hiệu dẫn đầu trong ao làng và kết cục lại trở về với kiểu gom huy chương.

Mong lắm một quốc gia trong Đông Nam Á đi đầu trong chiến dịch trả lại sự trong sạch và lớn mạnh cho thể thao Đông Nam Á thay vì đối phó với căn bệnh thành tích.

Thể thao Việt Nam không đạt đủ 65 HCV nhưng nên tự hào

Theo chúng tôi thì đây là kỳ SEA Games đáng nhớ và đáng tự hào của thể thao Việt Nam. Dù mất vàng ở nhiều môn thế mạnh, trong đó có những nội dung đã gây tiếng vang ở Olympic London 2016 nhưng bù lại thì điền kinh, môn đấu nữ hoàng nằm trong hệ thống thi đấu Olympic đã có sự tiến bộ vượt bậc. Đáng đề cập là điền kinh Việt Nam đã xuất hiện lứa VĐV trẻ tài năng không những kế thừa đàn chị mà còn vượt ngưỡng một cách xuất sắc. Với sức trẻ và khát khao lớn, trong đó có những VĐV lần đầu ra đấu trường Đông Nam Á như Tú Chinh đã tạo tiếng vang lớn ở môn chạy tốc độ cùng với các đồng đội ở những nội dung tiếp sức. Chính báo chí Thái Lan từng phân tích rằng họ là trùm của khu vực ở môn điền kinh, đặc biệt là các cự ly chạy ngắn nhưng nay phải ngỡ ngàng với sự tiến bộ vượt bậc và qua mặt của các cô gái Việt Nam.


Đội tiếp sức nữ Việt Nam đi vào lịch sử điền kinh khu vực, tạo nên cuộc soán ngôi ngoạn mục khiến điền kinh Thái Lan phải ngỡ ngàng. Ảnh: HUY PHẠM

Vì thế mà cũng rất mong ông trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn tuyên bố sẽ tư vấn cho những nhà tổ chức SEA Games 31 - 2021 tại Việt Nam là sẽ tập trung vào những môn thi đấu trong hệ thống Olympic mà bỏ bớt những môn chạy theo thành tích ao làng.

Biết là rất khó nhưng vẫn hy vọng.

Đ.TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới