Cần tổng kết về kinh tế thị trường ở Việt Nam

TS Đinh Quang Tỵ, Hội đồng Lý luận Trung ương mở đầu phát biểu của mình tại Tọa đàm đối thoại chính sách về thể chế KTTT Việt Nam ngày 29-7.

Tọa đàm do ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và một số cơ quan quốc tế tổ chức.

TS Tỵ nói: “Nếu chuyển đổi càng khoa học, triệt để, chấp nhận những giá trị phổ quát của KTTT nhân loại thì đất nước ngày càng phát triển”. Từ đó, ông Tỵ đề nghị ĐH Kinh tế Quốc dân và Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị với Đảng cho tổng kết KTTT của Việt Nam cho đến tháng 7-2020 theo đúng tinh thần kêu gọi góp ý của Tổng bí thư.

“Chúng ta chưa bỏ được KTTT định hướng XHCN đâu nhưng nên minh họa nó như thế nào. Đó chính là đóng góp của các nhà khoa học” - TS Tỵ nói.

GS Hoàng Đức Thân, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay: Các nhà khoa học của Trung Quốc đưa ra 16 định nghĩa khác nhau về KTTT, 24 mô hình khác nhau của KTTT nên Việt Nam cần có con đường riêng.

“Với tư cách một nhà khoa học, tôi khẳng định chỉ có một KTTT duy nhất vận động theo quy luật khách quan của nó. Nó chỉ là phương tiện để hướng tới các mục đích tốt đẹp” - GS Thân nói.

TS Nguyễn Đình Cung nhận định rằng: Dù là KTTT định hướng XHCN thì cũng phải dựa trên cơ sở nền kinh tế có đầy đủ đặc trưng của KTTT hiện đại.

Trong KTTT hiện đại, nhà nước và thị trường không thể tách rời, nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Đặc trưng chủ yếu nền KTTT hiện đại là có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định, tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng và có trật tự.

Theo TS Cung, sau hơn 30 năm đổi mới, con đường chuyển sang KTTT của Việt Nam vẫn còn dang dở. Để đánh giá về mức độ tự do hóa kinh tế và KTTT cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực chính phủ. Nếu hai chỉ tiêu này đều tốt thì nền KTTT của chúng ta được coi là nền KTTT tốt.

“Nhưng đáng tiếc rằng cả vai trò nhà nước, cả vai trò thị trường đều rất kém. Cả hai chỉ số hiệu lực của chính phủ và mức độ phát triển thị trường của chúng ta nằm ở tốp dưới” - TS Cung nói.

TS Lê Đăng Doanh nói hiện có khoảng 90 nước công nhận Việt Nam là KTTT nhưng Mỹ và EU vẫn chưa công nhận. Nếu Việt Nam được công nhận là nước KTTT thì sẽ có nhiều lợi thế về xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ… “Sắp tới, cần nỗ lực và kiên trì chuyển sang KTTT và cải thiện chỉ số tự do kinh tế” - ông Doanh nói.

Còn bà Phạm Chi Lan thì cho rằng thể chế KTTT của Việt Nam còn nhiều vấn đề. Theo bà, sau 30 năm đổi mới, muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao cần một cuộc cải cách lần thứ hai thay cho những cải cách trên giấy tờ.

“Đây là khát vọng chính đáng, hiện Việt Nam có nguồn lực để thực hiện khát vọng này nhưng cần phân bổ lại các nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả thì kết quả sẽ khác hơn” - bà Chi Lan kết phần phát biểu chưa đầy 5 phút của mình.

“Nền KTTT không giải quyết được tất cả vấn đề nhưng nếu không có KTTT thì chúng ta thất bại! Phải tìm được khâu đột phá vì không có khâu đột phá thì chúng ta cứ mãi loay hoay” - TS Nguyễn Đình Cung kết luận bài phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm