Có lẽ họ là sinh viên của trường ĐH đó vì trước khi xảy ra chuyện cãi nhau, họ trao đổi về bài vở văn học gì đó. Trên màn hình tivi của quán đang phát bài hátVề đâu mái tóc người thương - một bài tình ca xưa gần đây bỗng rất thịnh hành được nhiều ca sĩ trẻ bây giờ đua nhau hát, nhiều chương trình ca nhạc liên tục dàn dựng. Màn hình giới thiệu tác giả ca khúc là Hoài Linh. Anh thanh niên mặc áo pull xanh, quần jean buột miệng: “Phải công nhận anh chàng Hoài Linh đa tài thiệt, diễn hài hết sẩy mà viết nhạc cũng bá chấy”. Cậu mặc áo trắng phản ứng: “Không phải Hoài Linh hài đâu. Anh ta đâu phải nhạc sĩ”. “Thế ông nói Hoài Linh nào? Chẳng phải nhạc sĩ nhưng anh ta chấm thi mấy cuộc thi gì đó cũng có ca sĩ tham gia, rồi chấm thiTìm kiếm tài năng Việt chung với cả nhạc sĩ Huy Tuấn đó! Anh ấy viết nhạc được chứ!”.
Một lần khác, cách nay chừng bốn, năm năm, tôi cũng tình cờ chứng kiến một cuộc tranh luận nảy lửa tại một quán nhậu ở Quy Nhơn (Bình Định) về tên nhạc sĩ Tuấn Khanh. Không khí ở quán nhậu khá ồn ào còn nóng lên với những tiếng cãi vã to tiếng ở một bàn nhậu có năm, sáu người, cả trung niên, thanh niên. Họ có vẻ là những người có học. Người đàn ông trung niên đeo kính trắng bảo: “Mấy bài Hoa xoan bên thềm cũ và Chiếc lá cuối cùng là của nhạc sĩ Tuấn Khanh trước 75 chứ không phải nhạc sĩ Tuấn Khanh hiện nay đâu”. Một người trẻ tuổi phản đối: “Thì ông Tuấn Khanh đó chứ ông nào nữa. Ông nhạc sĩ Tuấn Khanh mấy năm trước chấm thi ca nhạc Sao mai điểm hẹn, Việt Nam Idol, Trò chơi âm nhạctrên truyền hình đó chứ ai”. Rồi họ tiếp tục sửng cồ cãi nhau, không ai chịu ai. Thấy cuộc tranh luận ngày càng có nguy cơ phá vỡ cuộc vui của họ và cũng có thể hỏng cả cuộc vui cuối tuần của mọi người trong quán, anh bạn bác sĩ ngồi với tôi hình như quen vài người trong số họ lên tiếng: “Thôi, ở đây có ông anh tôi là nhà báo kỳ cựu ở Sài Gòn mới ra chơi, hỏi ổng xem”. Tôi giải thích đơn giản về các ca khúc bất hủ nói trên cùng một số ca khúc tuyệt hay khác của nhạc sĩ Tuấn Khanh viết từ những năm 1960. Ông còn có một số ca khúc viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh, tác giả bàiVề đâu mái tóc người thương. Ông sinh năm 1933, hiện định cư tại Mỹ. Còn nhạc sĩ Tuấn Khanh trẻ - thật ra anh ấy cũng bốn mươi mấy rồi, không trẻ lắm đâu. Anh từng là PV báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên... Anh có một số ca khúc được giới trẻ yêu thích, tiếc là tôi không nhớ. Đây có lẽ là sự trùng hợp bút danh, không hiểu có phải là ngẫu nhiên không.
Chuyện trùng bút danh, nghệ danh cũng rất thường gặp. Có điều thường thì trùng tên nhưng khác lĩnh vực hoạt động, như trường hợp ca sĩ Quang Dũng trùng tên nhà thơ Quang Dũng nổi tiếng từ hơn 60 năm trước nên cũng dễ phân biệt. Trong lĩnh vực trình diễn cũng có nhiều sự trùng nghệ danh, như nữ diễn viên kỳ cựu Diễm My vừa tái xuất nhưng nay lại có nữ diễn viên trẻ Diễm My nhưng cô khôn ngoan thêm “cái đuôi” 9X vào thành Diễm My 9X rất ấn tượng. Cái lợi thế của những nghệ sĩ trình diễn là thời đại truyền hình ai cũng thấy, cũng biết nên dễ phân biệt. Còn lĩnh vực sáng tác thì bút danh chỉ có con chữ, rất dễ nhầm lẫn nên người viết hết sức cẩn thận khi lấy bút danh, tránh trùng tên người đã nổi tiếng kẻo bị coi là “cầm nhầm”tên người nổi tiếng. Người sáng tác cần tự định danh “Tôi là tôi”.