Căng thẳng Mỹ-Iran: Đã đến lúc hạ màn

Trong bài phát biểu chính thức hôm 8-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện mong muốn giảm leo thang khủng hoảng với Iran. Cụ thể, ông Trump không nêu ra bất cứ lời đe dọa nào về hành động quân sự chống Iran mà chỉ tuyên bố sẽ trừng phạt bổ sung Tehran. Tổng thống Trump cũng tiếp tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran khi cho rằng đó là thỏa thuận “khiếm khuyết”, đồng thời nhấn mạnh Iran phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và chấm dứt hỗ trợ cho khủng bố.

Trước đó cùng ngày, Tehran cũng tuyên bố nước này “đã tiến hành và hoàn tất” các hành động đáp trả tương xứng nhằm vào Mỹ, đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này không tìm cách leo thang căng thẳng hay chiến tranh, song sẽ luôn tự vệ trước mọi hành động gây hấn.

Hạ nhiệt

Tuyên bố của hai bên cho thấy nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện như thế giới lo ngại đã được hạ nhiệt. Tờ The Washington Post nhận định vụ tấn công “có giới hạn” của Iran vào hai căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq là động thái làm vừa lòng cả đôi bên.

Đối với Mỹ, điều quan trọng là vụ tấn công của Iran không gây thương vong nào đối với quân đội Mỹ cũng như Iraq. Do đó, Tổng thống Trump có thể không cảm thấy bị áp lực phải trả đũa. Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi cũng cho biết ông đã được cảnh báo trước về các cuộc tấn công và chuyển lời cảnh báo đó đến lực lượng quân đội đồn trú tại căn cứ.

Trong khi đó với Iran, nước này khó có thể chống đỡ được một cuộc chiến tranh trực diện với Mỹ, nên một cuộc không kích “giới hạn” nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq là phản ứng hợp lý, không đẩy căng thẳng đi quá tầm kiểm soát mà vẫn giữ được thể diện.

Những diễn biến hiện nay cũng đang giúp thực hiện phần nào mong muốn từ lâu của Iran, đó là chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Nhiều nước cũng kêu gọi Mỹ và Iran ưu tiên ngoại giao và giảm căng thẳng, cảnh báo các cuộc tấn công giữa Mỹ và Iran có thể dẫn đến một vòng xoáy bất ổn chính trị mới trong khu vực.

Những tuyên bố mới đây cho thấy Mỹ và Iran đều không muốn đẩy căng thẳng đi xa hơn. Ảnh: FOX NEWS

Về phía bản thân ông Trump, ông chắc chắn hiểu rõ nếu tấn công Iran, sự trả đũa của nước này sẽ gây ra tổn thất cho cả Mỹ và các đồng minh khu vực của Washington như Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Do đó, đúng như những lời đe dọa sẽ có một cuộc đáp trả trên quy mô lớn nếu Iran tấn công bất kỳ quân nhân hay các cơ sở của Mỹ, Washington hoàn toàn có khả năng thực hiện một cuộc tấn công phá hủy nhằm vào Iran nhưng cái giá phải trả là quá cao.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump trong bài phát biểu vẫn gửi một thông điệp rõ ràng tới Iran rằng Mỹ vẫn coi Iran là một quốc gia theo đuổi công nghệ hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tìm cách kiểm soát toàn Trung Đông khu vực. Rõ ràng cuộc tấn công tên lửa của Iran đã cho thấy một thực tế mới, đó là ảnh hưởng Mỹ ở đây đã không còn được như trước.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 8-1 cho biết nhận được tin tình báo Iran đã yêu cầu nhóm vũ trang ủy nhiệm ngừng tấn công những mục tiêu hoặc thường dân Mỹ trong khu vực. Ông khẳng định hoan nghênh động thái của Tehran và hy vọng sẽ có thêm nhiều cử chỉ hòa bình trong tương lai. 

Đích đến vẫn là thỏa thuận hạt nhân

Theo phân tích của tờ The New York Times, một điểm cần lưu ý là trước khi tấn công căn cứ Mỹ, Iran không hề che giấu điều này. Động thái này mở ra một khả năng khác về chuyện có chăng Iran đang “ra đòn gió” để cảnh báo Mỹ trước những nguy cơ xa hơn. Đài NBC cho biết hôm 8-1, sau vụ tấn công, một quan chức Iran khẳng định nếu Mỹ không trả đũa cho đợt nã tên lửa mới đây thì Tehran sẽ ngừng tấn công. Nhưng nếu Mỹ tấn công, Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Kiểu chừa ra đường lùi của Iran trên thực tế từng được áp dụng trước đây. Theo đó, sau khi tuyên bố không tuân thủ các ràng buộc trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), giới lãnh đạo Iran vẫn kèm theo một vế tương tự: Nếu Mỹ ngừng trừng phạt kinh tế, Iran sẽ lại tuân thủ JCPOA. Cho đến nay, chưa có một quyết định rút khỏi JCPOA trực tiếp nào từ Iran.

Trả lời đài CNN, thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng Tổng thống Trump thực sự không muốn lật đổ chính quyền Iran, mà chỉ muốn Tehran thay đổi cách hành xử trong ba lĩnh vực: chương trình tên lửa đạn đạo, việc bảo trợ cho khủng bố và một phiên bản mới của thỏa thuận hạt nhân hợp lý hơn trong việc ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân.

Nếu Iran trong thời gian tới muốn đàm phán, Tổng thống Trump khẳng định sẽ sẵn sàng tạo cơ hội cho Tehran, mở ra một con đường “dễ dàng và nhanh chóng”. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là nước Cộng hòa Hồi giáo này phải lập tức từ bỏ mọi tham vọng hạt nhân và mọi hoạt động tài trợ cho các tổ chức khủng bố.

“Iran có thể trở thành một đất nước tuyệt vời. Hòa bình và ổn định là hai thứ không một thế lực nào có thể ngăn cản được ở Trung Đông. Chừng nào Iran vẫn tiếp tục kích động bạo lực, thù địch, chiến tranh thì phương Tây vẫn buộc phải gửi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ đến chính quyền nước này rằng các người không thể tiếp tục gây khủng bố, chết chóc và hỗn loạn nữa, chúng tôi không cho phép chúng xảy ra” - ông Trump khẳng định.

Việt Nam kêu gọi Mỹ, Iran kiềm chế

Trong họp báo ngày 9-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình ở Trung Đông và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, phát ngôn viên Thu Hằng cũng cho biết Bộ Ngoại giao đã có những chỉ đạo kịp thời đối với các cơ quan đại diện Việt Nam trong khu vực để sẵn sàng có các biện pháp cần thiết bảo hộ công dân trước những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Bà Hằng lưu ý công dân Việt Nam hạn chế đến các khu vực có nguy cơ nổ ra xung đột và nghe theo hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm