Sáng nay (17-12), kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu đơn vị La Gi Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận, cho rằng hiện khu vực nông thôn ở Bình Thuận vẫn còn hơn một nửa người dân (51,8%) chưa được sử dụng nước sạch. Đặc biệt vẫn còn 21,25% trường học và 15,24% trạm y tế chưa có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Quang cảnh kỳ họp.
PLO xin trích bài phát biểu của ông Phước tại kỳ họp này:
“Hiện nay, do tình trạng biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, nhiều công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh bị giảm công suất khai thác, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân khu vực nông thôn ngày càng tăng cao.
Do vậy, một số khu vực người dân phải mua nước với giá cao từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng/m3. Những hộ dân không có điều kiện mua nước, phải sử dụng nguồn nước tại chỗ, không đảm bảo an toàn về chất lượng do luôn tiềm ẩn các chất độc hại đối với sức khỏe con người.
Việc sử dụng thường xuyên và đều đặn các nguồn nước không an toàn sẽ làm các chất độc hại tích lũy trong cơ thể, lâu dần gây ra các loại bệnh tật ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nghiên cứu mới cho thấy trẻ em dưới năm tuổi sống ở vùng không có nước sạch và vệ sinh kém có chiều cao thấp hơn 3,7 cm so với trẻ em được sử dụng nước sạch.
Theo thống kê, Việt Nam đang nằm trong nhóm những nước có chiều cao thấp trên thế giới. Chiều cao trung bình của nam giới chỉ đạt 163,7 cm, thấp hơn 13 cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chiều cao của nữ giới là 153 cm, thấp hơn 10,7 cm so với chuẩn của WHO.
Trong khi đó người Nhật trước năm 1950, chiều cao trung bình chỉ xấp xỉ Việt Nam thời bấy giờ, thì sau hơn nửa thế kỷ, chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản đã vượt lên trên 170 cm, còn nữ là 158 cm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, gần một nửa trong số 26 loại bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Điển hình là bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, các bệnh về đường tiêu hóa, viêm gan A, viêm não, ung thư… Tại một số địa phương, khi theo dõi các trường hợp ung thư cho thấy 40%-50% là do từ sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Hằng năm có khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Vì vậy, sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung sẽ đảm bảo an toàn, các chất độc hại thường xuyên được kiểm soát; từ đó giảm tỉ lệ mắc các loại bệnh tật, cải thiện chiều cao, giảm chi tiêu về y tế và chi phí chữa bệnh, đồng thời có sức khỏe tốt hơn để học tập, làm việc.
Hiện nay, khu vực nông thôn toàn tỉnh ta có 58 công trình cấp nước, cung cấp nước sạch cho 80 xã, 12 thị trấn với 437.260 người sử dụng, chiếm tỉ lệ 48,92% dân số nông thôn. Tuy nhiên, hiện khu vực nông thôn vẫn còn hơn một nửa người dân (51,8%) chưa được sử dụng nước sạch; đặc biệt vẫn còn 21,25% trường học và 15,24% trạm y tế chưa có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Mặc dù được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh nhưng nguồn vốn đầu tư công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua rất hạn chế so với nhu cầu. Kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn năm năm 2016-2020 ngân sách tỉnh dành cho nước sạch rất thấp chỉ 85 tỉ (tính ra tất cả nguồn vốn mỗi người nông thôn dân chỉ được đầu tư bình quân khoảng dưới 30.000 đồng cho nước sạch/năm).
Ngân sách các huyện, xã thì hầu như không bố trí đầu tư cho lĩnh vực này còn huy động từ khối tư nhân, mặc dù được khuyến khích nhưng vẫn chưa mặn mà, vì vùng nông thôn đầu tư lớn nhưng giá nước rẻ không có lợi nhuận.
Theo Quy hoạch cấp nước nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt, mục tiêu đến cuối năm 2020, có 65%, năm 2025 có 75% người dân sử dụng nước sạch. Còn theo kế hoạch chính phủ phê duyệt đến năm 2030 có 100% người dân được tiếp cận với nước sạch an toàn.
Để có thể hoàn thành những mục tiêu trên. Tôi đề nghị tất cả chúng ta hãy quan tâm sớm giúp cho đại bộ người dân nông thôn được quyền tiếp cận nước sạch an toàn với giá cả hợp lý, đây được xem là quyền chính đáng của người dân.
Đề nghị UBND tỉnh, Sở KH&ĐT, các sở, ngành liên quan, các huyện, thị, thành phố hãy quan tâm bố trí nhiều nguồn lực hơn nữa đầu tư vào nước sạch.
Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp và người dân chung tay cùng Nhà nước chăm lo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đầu tư vào nước sạch chính là đầu tư vào sức khỏe người dân bởi theo Tổ chức Y Tế thế giới: 1 đồng đầu tư vào nước sạch sẽ tiết kiệm 30 đồng đầu tư vào y tế”.