CẬP NHẬT: Lũ sông Hồng đạt mức lịch sử 20 năm, đe dọa Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận

(PLO)- Lũ trên sông Hồng và các sông Thao, sông Lô, sông Cầu... báo động 3, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia phát tin lũ khẩn cấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bão số 3 và mưa lũ sau bão làm 324 người chết, mất tích

Chiều 11-9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 324 người chết và mất tích.

Còn theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại thống kê đến 17 giờ 30 ngày 11-9 như sau:

Về người: 324 người chết, mất tích (179 người chết, 145 người mất tích).

+ Lào Cai: 183 người (72 người chết, 111 người mất tích). Cụ thể, Bảo Yên 113, Sa Pa 09, Bát Xát 18, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2; trong đó lũ quét, sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên ngày 10-9 làm 99 người chết, mất tích (26 người chết, 73 người mất tích).

+ Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích).

+ Yên Bái: 44 người (40 người chết, 4 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 6, Văn Chấn 1, Trấn Yên 2.

+ Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người).

+ Hải Phòng: 2 người chết do bão.

+ Hải Dương: 1 người chết do bão.

+ Hà Nội: 1 người chết do bão.

+ Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất.

+ Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.

+ Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn.

+ Tuyên Quang: 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích).

+ Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).

+ Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.

+ Vĩnh phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền).

+ Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất).

Sáng 12-9, mực nước trên sông Hồng sẽ xuống dưới báo động 3

Bản tin được phát lúc 16 giờ của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ, dự báo mức nước sông Hồng tiếp tục biến đổi chậm và sẽ “đạt đỉnh” là 11,35 m vào lúc 19 giờ ngày 11-9, dưới báo động 3 khoảng 0,15 m.

Sau đó, tới 1 giờ ngày 12-9, mực nước sẽ là 11,3 m, (dưới báo động 3 là 0,20 m) và tới 7 giờ ngày 12-9 là 11,25 m (dưới báo động 3 là 0,25 m).

Trong khi đó, mực nước sông Đuống cũng tiếp tục biến đổi chậm. Vào 19 giờ ngày 11-9, trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,60 m (dưới báo động 3 là 0,40 m); 1 giờ ngày 12-9 là 10,60 m (dưới báo động 3 là 0,40 m) và vào 7 giờ ngày 12-9 là 10,55 m (dưới báo động 3 là 0,45 m).

Lũ trên sông ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…

Trung Quốc xả lũ thủy điện phía thượng nguồn sông Lô với lưu lượng 250 m3/s

Chiều 11-9, trao đổi với PLO, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp xác nhận, từ 14 giờ chiều cùng ngày, phía Trung Quốc xả lũ thủy điện phía thượng nguồn sông Lô.

song-lo.jpg

Thứ trưởng Hiệp cho hay, phía bạn đã có văn bản thông báo từ sớm để chúng ta lên phương án chuẩn bị. Lưu lượng xả của thuỷ điện phía bạn ở mức nhỏ, 250m3/s, nên không gây ảnh hưởng quá lớn tới lũ hạ du Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thông tin, trung bình một cửa xả của thủy điện Hòa Bình cả ngàn m3/s, nhưng mức xả lớn nhất từ phía Trung Quốc lần này chỉ bằng 1/4 mức này, nên mức độ ảnh hưởng tới lũ hạ du không quá lớn.

Hà Nội bị ngập sâu nhiều nơi

Ghi nhận của PLO tại các đường phố ven sông Hồng, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, vào trưa 11-9, mực nước vẫn đang tiếp tục lên.

Ngap-ha-noi.jpg
Mực nước sông Hồng dâng cao, người dân làng Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội hối hả giải cứu những chậu quất cảnh, nơi ngập ngông được kê cao, chỗ ngập sâu được người dân vận chuyển đi nơi khác.

Do nước ngập nên người dân muốn di chuyển phải sử dụng thuyền, chính quyền quận Hoàn Kiếm cũng cắt cử lực lượng túc trực tại khu vực cửa khẩu đi ra ngoài đê, hạn chế các phương tiện và chuẩn bị phương án chặn cửa khẩu ngăn nước lũ tràn vào khu vực nội thành trong trường hợp nước lũ dâng cao.

Lũ sông Hồng dâng cao tại khu vực cầu Long Biên gần mức báo động III vào trưa ngày 11-9. Ảnh: Phi Hùng

Lũ sông Hồng dâng cao tại khu vực cầu Long Biên gần mức báo động III vào trưa ngày 11-9. Ảnh: Phi Hùng

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước lũ sông Hồng tại địa phận quận Long Biên dự kiến đạt đỉnh vào lúc 13 giờ hôm nay (tức ở mức 11,3 m, thấp hơn mức báo động III là 20 cm) và sẽ rút dần vào buổi chiều.

Trước đó, vào 10 giờ 35 phút sáng cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT và TKCN Hà Nội đã phát lệnh báo động lũ cấp 2 cho các khu vực hạ lưu sông Hồng (gồm: thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh) sau khi phát hiện mực nước sông Hồng tại trạm Sơn Tây đã đạt mức báo động II (là 13,4 m).

Lũ sông Bùi dâng cao trên mức báo động 3, khiến nước tràn qua đê, gây ngập một số làng xã ven sông Bùi, nhiều nhà cửa, ruộng vườn của người dân bị ngập nước. Ảnh: TP

Lũ sông Bùi dâng cao trên mức báo động 3, khiến nước tràn qua đê, gây ngập một số làng xã ven sông Bùi, nhiều nhà cửa, ruộng vườn của người dân bị ngập nước. Ảnh: TP

Tương tự, lũ trên hệ thống các sông khác của Hà Nội cũng vượt mức báo động III, nhiều khu vực nước lũ tràn qua đê gây ngập các làng xã ven sông.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Trì, mực nước sông Nhuệ lên cao vượt mức báo động III đã đe doạ nhiều tuyến đê xung yếu.

Người dân ven sông Bùi phải di chuyển tài sản vì nước lũ dâng cao gây ngập đường xá, nhà cửa. Ảnh: TP.

Người dân ven sông Bùi phải di chuyển tài sản vì nước lũ dâng cao gây ngập đường xá, nhà cửa. Ảnh: TP.

Đặc biệt, do nước sông Nhuệ dâng cao đã tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm đoạn qua xã Đại Áng. Từ đêm ngày 10 đến trưa nay 11-9, địa phương đã phải huy động hơn 1.000 người để đắp bờ bao ngăn nước tràn vào nội đồng và khu dân cư.

Do lũ sông Nhuệ dâng cao đã tràn qua đê thuộc khu vực xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội khiến chính quyền địa phương phải huy động nhân lực gia cố bờ đê, chặn nước tràn vào nội đồng. Ảnh: CTV

Do lũ sông Nhuệ dâng cao đã tràn qua đê thuộc khu vực xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội khiến chính quyền địa phương phải huy động nhân lực gia cố bờ đê, chặn nước tràn vào nội đồng. Ảnh: CTV

Trên sông Tích, mực nước sông Tích cũng đã vượt mức báo động III (tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất), khiến nước tràn qua đê gây ngập lụt nhiều xóm làng tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

Tại khu vực sông Bùi, mực nước sông từ đêm qua đến sáng nay đã dâng nhanh trên mức báo động III, nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng từ 10 - 40cm, các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ như: Xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ.

Lực lượng chức năng huyện Thanh Oai, Hà Nội, kiểm tra công tác phòng chống úng ngập do lũ các sông trên địa bàn đang dâng nhanh. Ảnh: CTV

Lực lượng chức năng huyện Thanh Oai, Hà Nội, kiểm tra công tác phòng chống úng ngập do lũ các sông trên địa bàn đang dâng nhanh. Ảnh: CTV

Cùng cảnh ngộ, huyện Sóc Sơn, địa phương phía Bắc của Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng nặng do lũ sông Cầu, sông Cà Lồ lên cao. Báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn cho biết do lũ các sông dâng cao đã gây ra tình trạng ngập lụt tại khu vực bờ bãi ngoài đê các sông này.

Qua thống kê sơ bộ của UBND huyện Sóc Sơn, có khoảng 3.311 hộ, 15.673 nhân khẩu ảnh hưởng vùng lũ. Mưa lũ làm ngập đồng ruộng, hoa màu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Hiện nay, địa phương đang huy động người, phương tiện để ứng phó với lũ, giảm thiểu thiệt hại cho bà con nhân dân.

Hà Nội: Hỗ trợ người dân di chuyển tới nơi cao ráo để tránh lũ

Theo ghi nhận của PV PLO tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đầu giờ chiều nay, mực nước sông Hồng tiếp tục dâng lên cao tại các vùng ven, lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển tới nơi cao ráo để tránh lũ. Dự báo lũ trên sông Hồng ở Hà Nội có khả năng đạt đỉnh, ở dưới mức báo động 3 khoảng 20cm.

Hình ảnh lực lượng chức năng giúp dân di chuyển tránh lũ:

z5819723204654_d0f966bcb439280ec0af2fa93c9ac08b.jpg
z5819723284896_8d1aeac8d34051439004d21cb95e8594.jpg

Hưng Yên: Đê tả sông Hồng từ báo động II lên báo động III

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hưng Yên vừa ban hành công điện hỏa tốc về việc phát lệnh báo động III trên tuyến đê tả sông Hồng kể từ 10 giờ ngày 11-9.

Mực nước trên sông Hồng lúc 9 giờ sáng 11-9 tại trạm thủy văn Hưng Yên là 7,02m (trên báo động III là 2cm) và tiếp tục lên. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, TP Hưng Yên và các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

hung-yen.jpg
Nước sông Hồng lên cao khiến nhiều khu vực của TP Hưng Yên bị ngập. Ảnh: TTXVN

Các đơn vị tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc canh gác đê của địa phương; chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng chống thiên tai của địa phương và của ngành theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đơn vị cần triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ; kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; khu vực dân cư ngoài bãi sông phải có biện pháp chủ động để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; thường xuyên kiểm tra rà soát bảo đảm an toàn kịp thời các tuyến đê bối và có biện pháp tránh vỡ bối đột ngột.

Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn sàng và triển khai các phương án sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm, mất an toàn, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chậm trễ dẫn đến thiệt hại người và tài sản.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị cấm các loại xe cơ giới đi trên đê (trừ xe có giấy phép, xe ưu tiên theo quy định), các bến đò dọc, ngang hoạt động; cảnh báo người dân không đi lại ven sông, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở và không được đánh bắt thủy sản trên sông.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hưng Yên triển khai hạ phải đóng hoành triệt các cửa khẩu qua đê trên địa bàn; với chiều cao hoành triệt kể từ đáy cửa khẩu trở lên phù hợp theo tình hình, diễn biến của lũ.

Các đơn vị kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công liên quan đến an toàn đê điều; chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực ứng phó sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn chống lũ.

Mưa đến hết ngày mai, nhiều sông lũ vượt mức lịch sử

Trưa 11-9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia thông tin: Lượng mưa ở phần lớn khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ giảm so với hai ngày trước đó.

Từ rạng sáng đến nay, mưa tập trung ở khu vực đồng bằng và Đông Bắc Bộ, kéo vào Bắc Trung Bộ. Dự báo từ hôm nay đến hết ngày mai, mưa vẫn tiếp tục, trong đó tập trung chủ yếu khu vực đồng bằng và khu vực Bắc Trung Bộ. Từ sau ngày mai, tình hình mưa mới có dấu hiệu suy giảm.

z5819424161400_ce2ebb786ef750c9d0829ecff154f346.jpg
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia.

Từ đêm qua đến nay, lưu lượng về hồ Thác Bà đã giảm so với hai ngày trước. Đến 10 giờ hôm nay, lưu lượng về ở mức 2.950m3/s, gần tương đương lưu lượng xả ra khỏi hồ. Mực nước hồ lúc 10 giờ là 59,83m, áp lực nước về đã giảm.

Về diễn biến lũ trên khu vực sông Hồng - Thái Bình, từ đêm qua lũ trên sông Hồng có xu thế tăng. Đến 10 giờ sáng nay, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã lên 11,02m, thấp hơn báo động 3 là 0,48m. So lại với dữ liệu quá khứ, mức lũ sông Hồng tại Hà Nội mà lên trên mức 11m đã xảy ra cách đây năm 2004. Thời điểm đó, mực nước lớn nhất trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,04m.

Những giờ tới, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội còn xu thế tăng, nhưng ở mức chậm và các khu vực hạ du sông Hồng, hầu hết các con sông sẽ lên báo động 3.

“Đây là đợt lũ hiếm gặp. Dữ liệu thống kê đến thời điểm hiện tại ở hầu hết các sông ở khu vực sông Hồng - Thái Bình, trên sông Thao, sông Lô thì các điểm đo đều trên mức báo động 3, trong đó có điểm đo trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái vượt lịch sử 56 năm qua”.

Còn ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, thông tin: Hiện nay một số tỉnh còn nguy cơ tiếp tục ngập lụt, đơn cử như Thái Nguyên, nhất là ở huyện Phú Bình, TP Phổ Yên. Lũ năm nay ở Thái Nguyên chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử trong các số liệu được ghi nhận.

z5819425531370_75e951293fa10deb2afcf1803495d97b.jpg
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn.

Chúng tôi nhận định các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên hiện nay đang bị ngập úng ven đê thì khả năng 6 giờ tới mực nước trên sông Hồng vẫn tăng lên, do vậy nguy cơ ngập vẫn hiện hữu. Ngoài ra, một loạt huyện như Chương Mỹ, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, quận Hà Đông vẫn tiếp tục ngập úng do nước trên các sông nội tỉnh vẫn đang tăng lên. Chúng tôi lo nhất là khả năng có thể xảy ra ngập úng kéo dài ở một số huyện, đặc biệt là Chương Mỹ.

Thông tin thêm tình hình xả lũ, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn nói: Hiện nay có một số thông tin tích cực. Đó là mực nước trên các sông thượng nguồn như sông Hồng ở Lào Cai, Yên Bái, mực nước đã đạt đỉnh và đang xuống.

z5819429111633_8a20b2e18ef6cdb4aefb9f73129369fe.jpg
Ông Vũ Đức Long

Hồ Hoà Bình sáng nay đã ngừng xả lũ. Hồ Tuyên Quang đóng thêm 1 cửa xả, xuống còn 5 cửa xả, sẽ góp phần giảm bớt lượng nước về hạ du.

Tuy nhiên bất lợi là trên sông Thao tuy mực nước đã xuống nhưng vẫn còn rất cao. Vùng hạ lưu đồng bằng ở hầu hết các sông đều xuất hiện ở mức báo động 3 trở lên, một số sông xuất hiện lũ lịch sử. Lượng nước đang cao nên khả năng tiêu thoát nhanh sẽ chậm, thời gian ngập lụt sẽ còn kéo dài, ít nhất 2-3 ngày tới.

Thái Bình: Mực nước nhiều sông trên báo động III, nguy cơ vỡ đê bối ven sông

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình vừa ra thông báo về tin lũ khẩn cấp trên các sông tại địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong 12 giờ qua, mực nước trên các sông khu vực tỉnh Thái Bình đều đang lên.

Cụ thể, mực nước lúc 8 giờ sáng 11-9 tại trạm Quyết Chiến - sông Trà Lý là 5,16 m (cao hơn báo động III: 1,26 m); trạm Thái Bình - sông Trà Lý là 3,79 m (cao hơn báo động III: 0,29 m); tại trạm Tiến Đức - sông Hồng là 6,42 m (cao hơn báo động III: 0,12 m); tại trạm Triều Dương - sông Luộc là 6,25 m (cao hơn báo động III: 0,15 m).

Lúa mùa của người dân xã Phú Xuân, TP Thái Bình ngập trong nước. Ảnh: TTXVN

Lúa mùa của người dân xã Phú Xuân, TP Thái Bình ngập trong nước. Ảnh: TTXVN

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình dự báo mực nước trên các sông tiếp tục lên. Mực nước tại các trạm trên sông Trà Lý, sông Hồng, sông Luộc tiếp tục duy trì cao hơn báo động III trong hôm nay 11-9.

Mực nước tại trạm Quyết Chiến lúc 19 giờ tối 11-9 dự báo ở mức 5,60 m (cao hơn báo động III: 1,70 m); trạm Thái Bình ở mức 4,10 m (cao hơn báo động III: 0,60 m; xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1971), trạm Tiến Đức ở mức 6,75 m (cao hơn báo động III: 0,45 m), trạm Triều Dương ở mức 6,55 m (cao hơn báo động III: 0,45 m).

Cơ quan này cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp bãi bồi ven sông Trà Lý, sông Hồng, sông Luộc tại các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, TP Thái Bình; cùng với đó là sạt lở đất, đê kè xung yếu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 2-3.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, lũ lên cao có thể gây tràn, vỡ các đê bối ven sông ảnh hưởng tới hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội. Mực nước lũ cao nhiều ngày có thể làm sạt lở đê kè ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê sông.

Chưa hết khó khăn vì bão số 3, Hải Phòng đối mặt với ngập lụt

Trong bản tin mới nhất của Đài khí tượng thủy văn TP Hải Phòng, hiện nay mực nước trên các sông Luộc và sông văn Úc đang lên. Các sông Lạch Tray, Bạch Đằng, Cấm dao động theo thủy triều và ảnh hưởng mực nước lũ thượng nguồn đang lên (do điều tiết xả lũ của thủy điện thượng lưu).

Mực nước trên sông Cấm được ghi nhận sáng nay, 11-9. Hải Phòng đã có cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 2. Ảnh: HL

Mực nước trên sông Cấm được ghi nhận sáng nay, 11-9. Hải Phòng đã có cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 2. Ảnh: HL

Mực nước cao nhất lúc 7 giờ sáng nay ngày 11-9 trên sông Luộc tại trạm Chanh Chử là 3,16m trên báo động BĐ2 là 0,16m; trên sông Văn Úc tại trạm Trung Trang là 2,29m dưới BĐ2 0,01m; trên các sông Cấm, Lạch Tray, Bạch Đằng mực nước đang lên dần và ở dưới mức báo động 1.

Theo Đài khí tượng thủy văn TP Hải Phòng, trong 6-12 giờ tới, mực nước tại trạm Chanh Chử tiếp tục lên và duy trì ở mức trên báo động 2 đến báo động 3; trạm Trung Trang mực nước lên và đạt mức xấp xỉ báo động 3; các trạm Kiến An, Cửa Cấm, Do Nghi lên dần và đạt mức trên báo động 1.

Mưa lớn từ sáng khiến nhiều tuyến phố ở Hải Phòng đã bị ngập, lụt. Ảnh: HL

Mưa lớn từ sáng khiến nhiều tuyến phố ở Hải Phòng đã bị ngập, lụt. Ảnh: HL

Còn trong 12-24 giờ tới mực nước tại trạm Chanh Chử có khả năng đạt mức trên báo động 3; Trung Trang có khả năng đạt mức trên báo động 2; các trạm Kiến An, Cửa Cấm, Do Nghi xuống dần theo xu thế triều và ở mức dưới báo động 1.

Đài khí tượng thủy văn TP Hải Phòng đánh giá có nguy cơ gây ngập lụt tại các vùng vũng thấp ven sông, gây sạt lở đất khu vực ven các sông Luộc, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Bạch Đằng và sông Văn Úc. Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ cấp 2.

Lũ cao gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, ngập các bãi vật liệu ven sông và ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân khu vực ven sông.

Cũng theo Đài khí tượng thủy văn TP Hải Phòng, khả năng cao sẽ ngập lụt ở các vùng trũng, thấp như tại huyện Vĩnh Bảo, huyện An Lão.

Mưa lớn gây ngập lụt trên đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng sáng 11-9. Ảnh: HL

Mưa lớn gây ngập lụt trên đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng sáng 11-9. Ảnh: HL

Ghi nhận đến thời điểm 11 giờ trưa ngày 11-9, dù nước sông chưa lên cao đến mức gây ngập lụt, tuy nhiên do mưa lớn kéo dài từ sáng, nhiều nơi trên địa bàn TP Hải Phòng đã xảy ra ngập lụt. Nhiều tuyến phố chìm trong biển nước.

Lũ khẩn cấp trên các sông

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia lúc 9 giờ sáng nay (11-9) đã phát tin lũ đặc biệt lớn trên sông Thao, lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long.

Lúc 7 giờ sáng nay, lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang ở 34,51 m, trên báo động 3 là 2,51 m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 0,09 m. Mực nước sông Thao tại Phú Thọ 18,33 m, trên báo động 2 là 0,13 m.

Trên sông Cầu tại Đáp Cầu, mực nước trên báo động 3 là 0,9 m. Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương trên báo động 3 là 0,79 m.

lũ khẩn cấp.....jpg
Hệ thống sông miền Bắc đồng loạt báo động 3, ngập lụt khắp nơi, cơ quan chức năng phát tin lũ khẩn cấp. Ảnh minh hoạ: Cổng TTĐT Yên Bái

Trên sông Lô tại Tuyên Quang trên báo động 3 là 1,72 m; tại Vụ Quang trên báo động 3 là 0,51 m. Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế trên báo động 3 là 0,47 m.

Trên sông Thái Bình tại Phả Lại dưới mức báo động 3 là 0,17 m. Trên sông Lục Nam tại Lục Nam dưới báo động 3 là 0,26m. Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,86 m, trên báo động 2 là 0,36 m.

Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức báo động 2.

Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3. Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3.

Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11-9, trên mức báo động và dưới báo động 3.

Cảnh báo trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.

Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm