Trước thế hệ U-19 Việt Nam hiện nay thì đã có nhiều cầu thủ khác cũng được đánh giá cao nhưng khi thử việc thì gãy.
Mà không riêng gì Việt Nam, các cầu thủ tăm tiếng ở Đông Nam Á như Fandi Ahmad (Singapore), Kiatisak (Thái Lan), Yulianto (Indonesia) từng đi thử việc ở châu Âu cũng đều gãy dù kỹ thuật được đánh giá rất cao.
Hiện Đông Nam Á có tiền đạo Dangda (Thái Lan) chơi cho CLB Almeria (giải La Liga của Tây Ban Nha) nhưng cũng chỉ ngồi trên ghế dự bị dù đây là tiền đạo hàng đầu Đông Nam Á có chiều cao 1,88 m, nặng 80 kg với hai lần vua phá lưới AFF Cup 2010 và 2014.
Phân tích của các lò cầu thủ châu Âu khi không dùng được “hàng” Đông Nam Á chỉ ra rằng họ rất thích kỹ thuật cầu thủ Đông Nam Á nhưng khi va chạm với nền bóng đá châu Âu thì yếu tố sức mạnh và thể lực luôn bị rớt lại.
Chính vì thế mà khi nghe thông tin có những CLB châu Âu muốn “mua” các cầu thủ U-19 của bầu Đức thì nhiều người đề nghị ông bầu này nên cho đi để tích lũy kinh nghiệm và để có điều kiện phát triển chứ giữ lại mà đá V-League thì có thể làm trùm giải quốc nội nhưng sẽ không có cơ hội phát triển ở những sân chơi lớn.
Trước đây Thể Công cũng từng gửi 40 tài năng trẻ sang Bulgaria học bóng đá dài hạn, sau đó về nước thì cũng bị… hòa tan vì không có đối thủ tốt để cọ xát.
Chính hai ngôi sao bóng đá Đông Nam Á từng sang châu Âu nhưng thất bại là Fandi Ahmad và Kiatisak đều rút ra kinh nghiệm đó là “Cầu thủ Đông Nam Á muốn chơi bóng được ở châu Âu thì phải sang đấy từ trẻ để đào tạo và trưởng thành”. Đó cũng là lý do Fandi Ahmad sớm gửi hai con trai của mình sang Tây Ban Nha học bóng đá và tiếp tục chuyển qua Chile để vừa học bóng đá vừa thi đấu. Một trong hai người con đấy của Fandi Ahmad đã được chọn vào danh sách 40 tài năng trẻ trên thế giới cùng Phan Thanh Hậu của Việt Nam.
Đến bao giờ thì bóng đá Đông Nam Á khắc phục được khiếm khuyết trên để hòa mình với bóng đá thế giới ở các đấu trường lớn?
TẤN PHƯỚC