Thực chất câu chuyện này là không có thật, bởi nếu cầu thủ Đông Nam Á được đưa sang châu Âu thì phần lớn là do “cò” và chiêu PR để thổi giá cầu thủ mà thôi.
Từ huyền thoại Singapore Fandi Ahamd đến Yulianto, Kiatisak… sang đến Dangda… đều là những hảo thủ hàng đầu Đông Nam Á và đều ra về trong thất bại.
Đáng nói nhất là trung phong cao kều Dangda ba năm trước sang Almeria đá La Liga nhưng chưa ra sân ở La Liga và chỉ đá mấy chục phút ở Cúp Nhà vua suốt nửa mùa bóng rồi về. Về đến Thái Lan thì cầu thủ này mất suất đội tuyển trong thời gian dài.
Mang Dangda ra làm “hệ quy chiếu” bởi Dangda cao chẳng thua cầu thủ Tây (1,86 m), ba lần đoạt giải vua phá lưới AFF Cup. Giữa lúc Thai-League với mỗi CLB có năm ngoại binh, nhiều đội tập trung vào ngoại binh đa phần là tiền đạo thì Dangda có ba mùa liên tiếp về nhất danh sách vua dội bom Thai-League. Điều đó cho thấy Dangda “chẳng phải là tay vừa” khi vượt lên trên hàng chục ngoại binh tiền đạo chất lượng của các đội dự Thai-League. Thế nhưng sang La Liga thì Dangda chẳng có tí cơ hội nào. Những năm 2000, đàn anh Kiatisak cũng từng thất bại sau ba năm miệt mài ở đội hạng nhất Anh Huddersfield. Hay khỏe như Safee Sali của đội tuyển Malaysia sang đội hạng nhất Cardiff (xứ Wales) - đội bóng của tỉ phú Malaysia Vicent Tan và cũng thất bại ra về.
Cả hai danh thủ những thời khác nhau như Fandi Ahmad và Kiatisak trải nghiệm ở châu Âu đã cùng rút ra một điều: “Các cầu thủ Đông Nam Á muốn thành công ở châu Âu phải qua đó từ hồi 10, 11 tuổi để ăn tập làm quen từ bóng đá trẻ và đi lên”. Sau đó thì Fandi Ahmad đã thực hiện điều đó với cả ba con trai của mình, thế mà cũng thất bại. Hai con trai lớn của Fandi là Irfan và Ikhsan to cao chẳng thua cầu thủ Tây, đều khoác áo tuyển quốc gia và U-22 Singapore và đều học bóng đá ở Tây Ban Nha từ năm 10 tuổi, sau đó qua tiếp Paraguay đá giải hạng nhất nhưng cũng thất bại…
Chưa có một tiền lệ và xác suất thành công nào cho cầu thủ Đông Nam Á sang châu Âu hành nghề. Thế nhưng gần đây lại nghe ồn ào chuyện cầu thủ Đông Nam Á, đặc biệt là cầu thủ Việt Nam sang châu Âu. Có người sang tập thời gian rất ngắn rồi về để “có giá” trong thị trường chuyển nhượng nhờ công của “cò”. Lại cũng có cầu thủ được “rao” là những lò bóng châu Âu săn lùng để đáp ứng chiến dịch PR của CLB hay của một lò bóng đá.
Hy vọng một ngày nào đó cầu thủ Đông Nam Á sẽ thành danh tại châu Âu thật sự bằng chính năng lực của mình, chứ không còn là những chiêu trò mà bóng đá Đông Nam Á hay mượn châu Âu để “làm giá” cầu thủ của mình và để PR.